MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng chí Trịnh Thị Thoa – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh phát biểu tại hội nghị.

“Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần lý do”

Hương Giang - T.Q LDO | 21/05/2019 12:45
Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức vừa qua, góp ý vào Điều 35 của dự thảo, đa số các đại biểu lựa chọn phương án 1 là NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần lý do mà chỉ cần tuân thủ thời hạn báo trước.

Dự Hội nghị có đồng chí Trịnh Thị Thoa – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh; các đồng chí Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh: Nguyễn Thị Thúy Hà, Trần Văn Tú, Đỗ Ngọc Anh và gần 90 đồng chí là trưởng, phó các ban chuyên môn LĐLĐ tỉnh, các đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch LĐLĐ các huyện, thành phố, các công đoàn ngành, công đoàn các Khu công nghiệp, CĐCS trực thuộc; cán bộ chuyên trách cơ quan LĐLĐ tỉnh; Chủ tịch CĐCS các công ty có đông CNLĐ: Cty TNHH Vina Korea, Cty TNHH Jahwa Vina, Cty sản xuất Phanh Nissin Việt Nam, Cty TNHH Partron vina, Cty TNHH cơ khí chính xác Việt Nam I, Cty TNHH Kosei Muiltipack Việt Nam.

Đồng chí Trịnh Thị Thoa – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bộ Luật Lao động đối với hoạt động của tổ chức công đoàn, đến quyền và lợi ích hợp pháp của CNVCLĐ, vai trò của cán bộ CĐCS, nhất là các đồng chí chủ tịch CĐCS trong các doanh nghiệp trong việc phát hiện ra những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung một cách xác đáng và sát thực nhất.

Tại Hội nghị đã có gần 30 ý kiến phát biểu góp ý vào dự thảo tập trung vào các vấn đề: Hợp đồng lao động và mở rộng quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ Điều 35 dự thảo: đa số các đại biểu lựa chọn phương án 1 là người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần lý do mà chỉ cần tuân thủ thời hạn báo trước. Với lý do: HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động; nguyên tắc giao kết HĐLĐ: tự nguyện, bình đẳng…Trong một số trường hợp NLĐ nghỉ việc vì lý do nhạy cảm như: bị ngược đãi, quấy rối tình dục, dọa dẫm…mà NLĐ không muốn nói ra nguyên nhân chấm dứt HĐLĐ.

Về tuổi nghỉ hưu Điều 170 dự thảo, các Chủ tịch CĐCS doanh nghiệp có đông công nhân lao động đề xuất giữ nguyên quy định hiện nay: Nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi thì đến thời điểm nghỉ hưu, những trường hợp đặc biệt thì Chính phủ có quy định riêng. Các đại biểu khác lựa chọn phương án 1 đồng ý kéo dài tuổi nghỉ hưu với lý do: dân số ngày càng già hóa, đảm bảo quỹ hưu trí, không phân biệt tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, tận dụng được nguồn lao động kỹ thuật cao có kinh nghiệm. Tuy nhiên viêc kéo dài tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình đảm bảo không ảnh hưởng đến vấn đề giải quyết việc làm, thất nghiệp, phân biệt ra từng lĩnh vực, ngành nghề khác nhau…

Về tiền lương, các đại biểu đồng ý với Điều 99 dự thảo: Bổ sung thêm việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn ở khoản 1 Điều này và do 2 bên thỏa thuận…

Đồng chí Phạm Thanh Vân - Chủ tịch CĐCS công ty XS Phanh Nissin VN phát biểu tại hội nghị.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, đồng chí Nguyễn Thị Thúy Hà – Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh kết luận sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp và tổng hợp báo cáo Tổng LĐLĐVN, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc để đề nghị với Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Lao động đảm bảo quyền lợi của CNVCLĐ và không làm giảm đi vai trò của tổ chức CĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn