MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động đặt nhiều kỳ vọng vào đề xuất tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: Phong Linh

Người lao động đặt nhiều kỳ vọng vào đề xuất tăng lương tối thiểu vùng

MỸ LY LDO | 06/12/2023 12:04

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã khép lại sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả. Với kết quả của Đại hội, đông đảo đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ) đặt nhiều niềm tin vào tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục là chỗ dựa vững chắc, đáng tin cậy của ĐV, NLĐ. Trong đó, đề xuất liên quan đến tăng lương tối thiểu vùng được nhiều ĐV, NLĐ mong chờ.

Tăng lương - mong mỏi chính đáng của người lao động

Trong thời buổi vật giá leo thang, chị Lê Thúy Hoa - công nhân Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ - bày tỏ hy vọng sớm được tăng lương tối thiểu vùng để cải thiện thu nhập.

“Giá cả hàng hóa “nhảy múa” khiến chi phí sinh hoạt tăng theo, trong khi thu nhập hiện tại của tôi chỉ gần 6 triệu đồng/tháng (đã bao gồm phụ cấp) thật khó đáp ứng mức sống tối thiểu. Tôi nghĩ cần sớm tăng lương tối thiểu vùng để bù đắp lại phần trượt giá mà NLĐ đang phải gánh chịu” - chị Hoa nói.

Đó cũng là mong mỏi của vợ chồng chị Lê Hồng Diễm - công nhân Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ. Theo chị Diễm, việc tăng lương không chỉ giúp công nhân đảm bảo, duy trì mức sống tối thiểu, mà còn tiếp thêm động lực để an tâm làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt.

“Không tăng ca thì lương cơ bản trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ngoài chi phí sinh hoạt, vợ chồng tôi còn phải lo cho 2 con đang tuổi ăn tuổi học. Nếu được tăng lương, dù nhiều hay ít thì gia đình cũng đỡ chật vật hơn” - nữ công nhân chia sẻ.

Vợ chồng cùng làm công nhân với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, chị Phạm Thị Hồng Cẩm - công nhân Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương, TP Cần Thơ - chia sẻ: “Gia đình tôi thường chi tiêu khá tiết kiệm mới đủ lo chuyện học hành cho 2 con”.

Vợ chồng chị Cẩm hy vọng mức lương tối thiểu vùng tăng bởi cả hai hiểu rõ chi tiêu tiết kiệm vốn không phải là một biện pháp lâu dài.

Nhiều kỳ vọng vào những quyết sách mới

Những ngày qua, thông tin về Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028, nhất là việc đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động - một trong 3 khâu đột phá của Đại hội nhận được rất nhiều sự quan tâm của công nhân lao động.

“Doanh nghiệp gặp khó, đời sống NLĐ cũng bị ảnh hưởng nên tôi hy vọng những quyết sách, đề xuất trong Đại hội về tiền lương, tiền thưởng của công nhân lao động sẽ sớm được thông qua, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người lao động; chúng tôi cũng an tâm sản xuất, cống hiến cho doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - chị Hoa chia sẻ.

Theo chị Cẩm, nếu các đề xuất của Tổng LĐLĐVN được thông qua và áp dụng vào thực tế, thu nhập của NLĐ không chỉ cải thiện mà các khoản tiền thưởng dựa trên lương cơ bản cũng tăng theo.

“Chúng tôi rất mong Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa mới và tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong bảo vệ quyền lợi NLĐ, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc, đáng tin cậy cho công nhân lao động” - chị Cẩm chia sẻ.

Tương tự, vợ chồng chị Diễm cũng đặt nhiều niềm tin vào Đại hội và mong rằng các lời hứa, quyết sách của lãnh đạo Công đoàn sẽ sớm được hiện thực hóa.

“Với công nhân chúng tôi, mức tăng đó rất quý giá. Bởi nó không chỉ tác động đến tiền lương cơ bản mà còn kéo theo sự thay đổi của những khoản tiền thưởng. Vì vậy, tôi mong những đề xuất đó sớm trở thành hiện thực. Như thế, đời sống cải thiện, chúng tôi cũng có thể yên tâm sản xuất, hoàn thành tốt chỉ tiêu kinh doanh cũng như càng thêm tin tưởng, gắn bó bền chặt với tổ chức Công đoàn” - chị Diễm tâm sự.

Tại họp báo thông tin kết quả Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam trưa 3.12, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, trong 5 năm (2018-2023), tổ chức Công đoàn đã đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng với tổng mức tăng là 25,34% và Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chấp thuận ở mức tăng 23,3%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn