MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Cty VMEP đội mưa phản ánh vụ việc với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: V.L

Người lao động đội mưa phản đối quyết định chấm dứt hợp đồng của công ty

Việt Lâm   LDO | 13/11/2019 17:11

Trưa ngày 13.11, hơn 100 người lao động (NLĐ) mới nhận quyết định chấm dứt hợp đồng lao động từ Công ty hữu hạn chế tạo công nghiệp và gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam (VMEP) đã đứng dưới trời mưa, trước cửa công ty để phản đối cách hành xử mà NLĐ cho rằng “thiếu tình người” của lãnh đạo công ty.

Phần lớn trong số họ đã cống hiến trên 10 năm cho công ty, có người mang trọng bệnh, có người chỉ còn vài năm nữa đến tuổi nhận sổ hưu… Nay nếu mất việc, họ sẽ gặp khó trong cuộc sống mưu sinh.

Gần 1 tháng nay, ngày nào chị Nguyễn Thị Thanh Yên cùng các “nguyên” đồng nghiệp cũng đứng trước cổng công ty để phản đối quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. 

Sinh năm 1978, với dáng vẻ rất khắc khổ, gầy yếu, tóc nhiều sợi bạc, dưới cơn mưa, nước mắt lưng tròng, chị Yên nói: “Tôi đã có hơn 17 năm cống hiến cho Nhà máy sản xuất phụ tùng và lắp ráp xe máy của Cty VMEP (đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông, Hà Nội). Khi còn trẻ, tôi cùng các đồng nghiệp đã cống hiến sức lực của tuổi thanh xuân cho công ty, nhưng  với lý do “Chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ”, lãnh đạo công ty đã ra thông báo và gửi quyết định chấm dứt hợp đồng (ngày 7.10) một cách lạnh lùng tới NLĐ. Chúng tôi cho rằng, cách hành xử của lãnh đạo công ty rất thiếu tình người”.

Phần lớn NLĐ đều đã có hơn 10 năm cống hiến cho nhà máy, nay đều trên 35 nên rất khó tìm việc làm mới. Trong số họ, có nhiều người mang trọng bệnh. Ảnh: V.L 

Quê huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang), năm 2002, ông Nguyễn Ngọc Hợp đã xuống Hà Đông (Hà Nội) để làm trong xưởng sơn nhựa, tiếp xúc với nhiều hoá chất độc hại… nên sức khoẻ suy giảm nhiều. Năm 2018, ông Hợp thấy sức khoẻ bất bình thường, đi khám thì phát hiện bị bệnh lao cột sống. Mới điều trị ổn định được mấy tháng thì ông nhận được thông báo, quyết định “chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ” từ lãnh đạo công ty. Quá bất ngờ và bàng hoàng, sức khoẻ của ông Hợp suy sụp hẳn.

Sáng 13.11, cùng những NLĐ khác, ông Hợp cho biết: “Chúng tôi đều là những NLĐ gắn bó với công ty từ những năm đầu sơ khai, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, chúng tôi vẫn đồng lòng vì sự phát triển của công ty. Bây giờ, đại đa số NLĐ đều trên 35 tuổi, là đội tuổi rất khó khăn để tìm được việc làm mới. Với thông báo và quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, Cty MMEP đã lạnh lùng, phó mặc việc duy trì cuộc sống và an sinh của 149 gia đình NLĐ chúng tôi cho xã hội”.

Ông Hợp đã thuê nhà (700.000 đồng/tháng) ở gần công ty để hàng ngày cùng anh chị em NLĐ tới cổng công ty phản đối quyết định của lãnh đạo.

Ông Hợp cho biết, trong số 149 NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, có những trường hợp hoàn cảnh rất khó khăn, ví dụ như ông Nguyễn Mạnh Cường, mới bị đột quỵ do tai biến, sinh năm 1961 - chỉ còn 2 năm nữa là đến tuổi hưởng chế độ BHXH. 

“Ông Cường nghe tin anh chị em bị sa thải đi phản đối quyết định chấm dứt hợp đồng, muốn cùng ra nhưng gia đình không cho đi, bởi sợ ông bức xúc, bệnh thêm nặng. Chỉ còn 2 năm nữa nhận số hưu mà bị sa thải, nên ông Cường rất bức xúc” - chị Yên cho biết.

NLĐ cho rằng quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của lãnh đạo Cty thiếu tình người. Ảnh: V.L 

Khi biết tin phóng viên Báo Lao Động tới ghi nhận ý kiến của NLĐ, ông Lý Đức Chung - Chủ tịch CĐ Nhà máy sản xuất phụ tùng và lắp ráp xe máy, Cty VMEP đã ra cổng công ty để trao đổi về diễn biến vụ việc.

“Lý do “thay đổi cơ cấu công nghệ” để công ty chấm dứt hợp đồng lao động theo tôi là chưa thoả đáng, bởi tôi là chủ tịch CĐCS đại diện của NLĐ tại Cty mà chưa thấy kế hoạch, hay sự chuyển đổi công nghệ nào trong thời gian vừa qua. Sau khi nhận thấy công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng với NLĐ chưa thoả đáng, CĐCS đã ghi nhận ý kiến của NLĐ rồi chuyển tới lãnh đạo công ty (tại Đồng Nai) và đề nghị đối thoại với NLĐ nhưng lãnh đạo Cty chưa sắp xếp. CĐCS cũng đã thông báo diễn biến vụ việc tới công đoàn cấp trên” - ông Chung cho biết.

Gần một tháng nay, hàng ngày, hơn 100 NLĐ cũng đến cửa nhà máy để phản ánh quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Cty VMEP. Ảnh: V.L 

Để giải quyết bức xúc của NLĐ, theo ông Chung, lãnh đạo công ty cần sớm tiếp xúc với NLĐ để làm rõ việc công ty đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với 140 người có đúng quy định của pháp luật? Nếu không đúng quy định của pháp luật cần sớm thu hồi lại quyết định. Nếu tiếp tục chấm dứt hợp đồng với NLĐ, công ty phải hỗ trợ 6 tháng tiền lương cho 149 người để họ tìm việc làm mới. Đối với những trường hợp vợ, chồng cùng làm việc tại công ty thì phía Cty phải giữ lại một trong hai người để họ ổn định cuộc sống…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn