MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ký kết thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh: Nguyên Anh

Người lao động hưởng nhiều quyền lợi từ thỏa ước lao động tập thể

NGUYÊN ANH LDO | 25/11/2023 17:15

Kiên Giang có 155 CĐCS doanh nghiệp có ký kết thỏa ước lao động tập thể với nội dung thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo NLĐ đã góp phần cải thiện đời sống, điều kiện làm việc cho đoàn viên, NLĐ giúp họ yên tâm lao động, sản xuất.

Thỏa ước có nhiều điều khoản có lợi

Theo LĐLĐ tỉnh Kiên Giang, qua hơn 5 năm tổ chức triển khai thực hiện, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng hoạt động, đối thoại, thương lượng tập thể. Trên 90% CĐCS doanh nghiệp (DN) đã chủ động đề xuất người sử dụng lao động tổ chức đối thoại và thương lượng, trong đó, có trên 80% các CĐCS đã phát huy được vai trò đại diện thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT).

100% các bản thỏa ước ký kết đều có điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so quy định pháp luật: Tiền lương cao hơn lương tối thiểu, thưởng lương tháng 13, thưởng sáng kiến, thưởng Lễ, Tết, các khoản phụ cấp xăng xe, điện thoại, giảm thời gian làm việc, tăng thời gian nghỉ ngơi, tham quan nghỉ mát, ma chay hiếu hỉ, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ tiền tàu, xe về quê ăn Tết cho NLĐ, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng…

Đại diện CĐCS Công ty TNHH Khai thác thủy sản, chế biến nước mắm Thanh Hà cho biết, đơn vị có gần 20 nội dung có lợi hơn cho NLĐ như hỗ trợ học phí, hưởng nguyên lương và các chế độ khác khi tham gia các khóa đòa tạo khi công ty cử đi. Ngoài ra còn nâng lương thường xuyên cho NLĐ theo vị trí và trình độ, trợ cấp điện thoại, trợ cấp khó khăn, hiếu hỷ, thai sản, tặng quà sinh nhật, tham quan, hỗ trợ tiêm vaccine ngừa ung thư, khen thưởng con NLĐ học giỏi, thưởng các ngày lễ trong năm, sáng kiến...

Ông Lê Chí Dững - Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Kiên Hùng - chia sẻ: đơn vị có trên 10 nội dung có lợi hơn cho NLĐ. Trường hợp công ty thiếu đơn hàng, lý do khác dẫn đến NLĐ nghỉ chờ việc công ty hỗ trợ 100% lương theo hợp đồng cho NLĐ; thưởng đột xuất, sáng kiến, chuyên cần, thưởng tết, hỗ trợ 100% chi phí cho công đoàn tổ chức khen thưởng các phong trào thi đua...

Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đoàn viên, NLĐ huyện Gò Quao. Ảnh: Nguyên Anh

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh đã thực hiện thành công TƯLĐTT nhiều DN ngành thủy sản huyện Châu Thành với sự tham gia của 6 DN với 16 nội dung có lợi cho NLĐ, nổi bật như: đảm bảo tiền lương của NLĐ làm đủ công thấp nhất là 5 triệu, hỗ trợ ăn ca 22.000 đồng/suất; tiền thưởng Tết làm đủ 12 tháng tối thiểu 5 triệu; thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao hơn quy định 1,2 lần, hỗ trợ công đoàn tổ chức chăm lo cho NLĐ ít nhất 30% so phần kinh phí công đoàn thực hiện…

Khắc phục hạn chế, làm tốt hơn vai trò bảo vệ quyền lợi NLĐ

Bà Trương Thanh Thúy - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kiên Giang - cho biết: LĐLĐ tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội đã chủ động triển khai các quy định pháp luật có liên quan đến NLĐ trong quan hệ lao động, hướng dẫn và yêu cầu NSDLĐ thực hiện tốt các quy định của pháp luật nhất là vấn đề về việc làm, đảm bảo việc làm, định mức lao động, tiền lương, tiền thưởng, đối thoại định kỳ, thương lượng, ký kết TƯLĐTT, an toàn vệ sinh lao động.

Bên cạnh đó, xác định đối thoại và thương lượng tập thể là cơ sở quan trọng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tăng cường các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS trong công tác này.

Theo đánh giá, vẫn còn một số hạn chế như một số bản thỏa ước còn nhiều nội dung sao chép lại các điều khoản của luật, một số nội dung chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện hoặc phải xem các quy chế khác trong doanh nghiệp mới thực hiện được.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trương Thanh Thúy - cho biết: LĐLĐ tỉnh có đề xuất, kiến nghị Tổng LĐLĐVN xem xét có quy định về công đoàn cấp trên cơ sở đại diện thương lượng tập thể đối với các DN chưa có tổ chức công đoàn và có quyền chủ động yêu cầu tham gia quá trình thương lượng tập thể tại doanh nghiệp nơi có CĐCS.

“Đối với cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật lao động. Trong đó, có nội dung về hoạt động phối hợp giữa doanh nghiệp và CĐCS trong xây dựng và thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến NLĐ tại doanh nghiệp”, bà Thúy chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn