MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bình Dương cần thêm nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho NLĐ. Ảnh: Đình Trọng

Người lao động khát khao có nhà ở xã hội giá rẻ

Đình Trọng - Hà Anh Chiến LDO | 26/10/2023 08:14

Bình Dương là một trong những địa phương thu hút đông công nhân lao động. Tỉnh có khoảng 2,7 triệu dân, trong đó có 1,2 triệu công nhân lao động làm việc trong các nhà máy, đa phần còn ở nhà trọ, đời sống bấp bênh. Theo khảo sát, có khoảng 380.000 công nhân lao động ở Bình Dương đang có nhu cầu tiếp cận nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ.

Ủng hộ Tổng LĐLĐVN là chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Những năm gần đây, chị Nguyễn Thị Hoa (38, tuổi, quê Hà Tĩnh, làm việc trong nhà máy ở khu công nghiệp tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) liên tục đi tìm nhà ở xã hội để mua nhưng các dự án đều đã bán hết.

“Dự án ở Hòa Lợi thì đã bán hết từ lâu, dự án ở Định Hòa (đều ở TP Thủ Dầu Một) cũng không còn căn hộ giá gốc, phải mua qua nhà đầu tư giá cao. Trong khi đó, các dự án mới lại chưa xây dựng nên tôi vẫn chưa mua được nhà. Gần đây tôi rất phấn khởi khi hay thông tin kiến nghị Tổng LĐLĐVN sẽ tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho người lao động thuê với vai trò là cơ quan chủ quản đầu tư. Tôi cho rằng, việc này là rất hợp lý, bởi lẽ, Tổ chức Công đoàn hơn ai hết sẽ hiểu rõ, nắm sát nhu cầu đời sống của công nhân lao động”- chị Hoa bày tỏ.

Trong khi đó, anh Trịnh Văn Tính (37 tuổi, quê ở Thanh Hóa, làm công nhân ở TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cho biết, năm 2018 anh từng mua đất phải “dự án ma” và bị lừa chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng. “Bây giờ chỉ mong các dự án chung cư nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ sớm triển khai xây dựng thêm. Nhà nước hỗ trợ cho người lao động vay vốn mua nhà với lãi suất thấp thì may ra chúng tôi mới có nơi ở cố định. Nhà nước nên linh hoạt các thủ tục về vay vốn”- anh Tính chia sẻ.

Cung quá ít so với cầu

Tương tự Bình Dương, Đồng Nai có khoảng 700.000 công nhân tại các khu công nghiệp, trong đó có khoảng 400.000 công nhân có nhu cầu về nhà ở.

Đến năm 2025, nhu cầu này tăng lên 450.000 người, nhưng hiện nay toàn tỉnh Đồng Nai mới chỉ có vài nghìn căn nhà ở xã hội. Nghị quyết của tỉnh Đồng Nai đưa ra đến năm 2025 cũng chỉ phấn đấu xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội, là quá ít so với nhu cầu.

Chị Lê Thị Hà - công nhân Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (KCN Biên Hoà 2, phường Long Bình, TP Biên Hoà) cho biết, vấn đề nhà ở cho công nhân, lao động hiện đang là vấn đề rất bức thiết, bởi phần lớn công nhân phải đi thuê trong các khu nhà trọ xuống cấp, điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo. Công nhân lao động mong muốn Nhà nước quan tâm hơn nữa ưu tiên xây nhà ở để người lao động được thụ hưởng một cách tốt nhất.

“Thu nhập của công nhân vốn thấp trong khi phải lo chi phí hàng loạt chi phí như tiền điện nước, tiền nhà trọ... Do đó, tôi mong Nhà nước quan tâm hơn tới công nhân lao động, giúp chúng tôi có được căn nhà ở xã hội và được trả góp”, chị Hà cho biết thêm. Ngoài ra, tại tỉnh Đồng Nai hiện đã mở bán một số dự án nhà ở xã hội nhưng việc đăng ký rất khó khăn do nhu cầu lớn. Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, sau khi đăng ký, người dân, người lao động cũng trầy trật khi phải thực hiện một “rừng hồ sơ”.

Anh P.V.T - 38 tuổi, ngụ TP Biên Hoà - cho biết: “Sau khi đăng ký phải thực hiện một rừng hồ sơ, thủ tục. Tôi phải làm giấy xác nhận thông tin về cư trú lên cơ quan chức năng hỏi thì sổ đăng ký tạm trú hết hạn, giờ đăng ký online nhưng chủ nhà trọ cũng đã 80 tuổi không rành về công nghệ, việc nộp hồ sơ online rất mất thời gian. Tôi chưa có gia đình thì phải về quê xác nhận độc thân”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn