MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: Minh Hương.

Người lao động không chọn tiêu chí lương cao lên hàng đầu

Mạnh Cường LDO | 08/09/2023 15:30

Lương cao nhưng áp lực công việc lớn cũng khiến người lao động từ chối. Tiêu chí lựa chọn công việc của người lao động đa phần dựa vào phúc lợi, chế độ đãi ngộ của nơi họ làm việc.

Chị Hà Cẩm Lệ (28 tuổi) nhân viên văn phòng tại quận Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ: “Lương chỉ là một phần đảm bảo cuộc sống, khi làm việc bản thân có thể cố gắng để có thưởng và mức lương cao hơn lương cứng. Tuy nhiên, môi trường làm việc phải thân thiện, nhiều đãi ngộ, phúc lợi tốt người lao động mới cống hiến lâu dài”.

Chia sẻ với Lao Động, chị Lệ cho biết bản thân đã từng xin nghỉ sau 9 tháng làm việc tại một công ty mới thành lập được 2 năm dù lương khá cao. Lý do vì thưởng 30.4, 2.9, Tết Dương lịch không có; Tết Nguyên đán chỉ có giỏ quà và nửa tháng lương cơ bản.

Chị Lệ cho biết, bản thân sẽ ưu tiên công ty có nhiều chế độ đãi ngộ, phúc lợi tốt để xin vào làm việc. Ảnh: NVCC.

Không chỉ vậy, công ty còn đóng bảo hiểm xã hội khá muộn, sau 6 tháng vào làm việc chị Lệ mới được đóng.

Chị Lệ mong muốn làm việc trong những công ty có lộ trình thăng tiến rõ ràng, thưởng phạt phân minh khi làm việc đồng thời nhiều đãi ngộ thiết thực. Như vậy, bản thân mới có động lực phấn đấu trong quá trình làm việc đồng thời tự tin khi người khác hỏi mức thưởng các ngày lễ.

Theo chị Lệ, công ty muốn giữ chân người lao động lâu dài nên có thưởng sinh nhật, thưởng lễ, Tết phù hợp. Chế độ con nhỏ, xăng xe hay cơm trưa cũng rất cần thiết. Khi người lao động đạt được kết quả cao trong công việc phải thưởng ngay, hậu hĩnh càng tốt.

Ngoài ra cũng nên tổ chức team building hoặc du lịch riêng ít nhất 1 lần/năm, có các chính sách đào tạo, nâng cao năng lực thiết thực cho người lao động. "Trong quá trình chọn lọc nơi làm việc, tôi quan tâm rất nhiều đến các chế độ đãi ngộ này để quyết định có nên gắn bó hay không” - chị Lệ chia sẻ về quan điểm chọn nơi làm việc.

Không chỉ dân văn phòng, công nhân lao động nhiều người cũng cân nhắc khá kỹ, quyết định lựa chọn nơi làm việc có chế độ đãi ngộ tốt.

Anh Phạm Văn Chinh (28 tuổi, Nam Định) cho biết bản thân đã quyết định xin nghỉ làm công nhân tại một công ty may mặc lớn với mức lương 11 triệu đồng/tháng về làm ở công ty giày da với mức lương khởi điểm 9 triệu đồng/tháng.

Anh Chinh quyết định từ bỏ mức lương 11 triệu đồng/tháng vào làm nơi khác 9 triệu đồng/tháng. Ảnh: NVCC.

Lý do anh Chinh xin nghỉ được tiết lộ là môi trường làm việc vô cùng áp lực, liên tục phải chạy đua với thời gian nhưng không được lãnh đạo trực tiếp và cấp trên công nhận. Tất cả các ngày lễ trừ Tết Nguyên đán đều không có thưởng.

“Với cường độ làm việc không có thời gian đi vệ sinh thì 11 triệu đồng/tháng vẫn chưa xứng đáng. Quan trọng hơn cả, nếu làm lâu dài tôi luôn bị ám ảnh về tinh thần” - anh Chinh nói.

Anh Chinh cho biết, điều duy nhất công ty cũ hơn các công ty khác trong khu vực là thưởng Tết cao, cuối năm ngoái anh được hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên, theo anh Chinh nếu trừ đi các khoản thưởng, phúc lợi thì cũng chỉ hơn một chút so với công ty mới anh đang làm.

“Ở công ty mới, mọi ngày lễ đều có thưởng tiền hoặc quà tặng từ 200.000 - 300.000 đồng. Xin nghỉ ốm hay làm việc cá nhân, gia đình cũng rất dễ trong khi ở công ty cũ tôi chẳng dám nghĩ đến. Ngày nghỉ phép hàng tháng được nghỉ theo quy định còn ở công ty cũ thì vô cùng khó khăn khi xin nghỉ, ngày nghỉ đó cuối năm công ty tính vào tiền thưởng Tết” - anh Chinh chia sẻ.

Do vậy, quan niệm chọn nơi làm việc của anh Chinh là không đặt tiêu chí lương cao lên hàng đầu, thay vào đó anh sẽ quan tâm đến phúc lợi, môi trường làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn