MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân lao động luôn cần học tập, nâng cao trình độ kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của công việc, tăng thu nhập của mình. Ảnh minh họa: QUẾ CHI

Người lao động không ngừng học để nâng cao trình độ, kỹ năng

VIỆT LÂM LDO | 19/10/2019 17:12

Quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu, cạnh tranh lao động ngày càng gay gắt đang đặt ra các yêu cầu cao hơn đối với người lao động (NLĐ). Ngoài kiến thức chuyên môn, NLĐ cần có khả năng mềm như: Giao tiếp, ngoại ngữ, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin... Do đó, nhiều người đã chọn giải pháp “vừa làm vừa học”.

Nghị lực của bà mẹ đơn thân

Đến tháng 11.2019 là chị Đỗ Thị Phượng (SN 1990, quê Quốc Oai, Hà Nội) đã có thời gian 11 năm làm việc tại Cty TNHH điện tử Meiko Việt Nam. Làm công nhân (CN) với mức lương hàng tháng trung bình khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, lại một mình nuôi con gái còn nhỏ (5 tuổi), nên chị Phượng khá vất vả. Với mong muốn có thêm kiến thức để chăm sóc sức khỏe người thân trong gia đình, nếu có điều kiện về kinh tế có thể “đổi nghề” - trở thành bà chủ của một hiệu thuốc nhỏ, hoặc làm tại bộ phận chăm sóc y tế tại Cty… nên chị Phượng đang theo học Cao đẳng Dược Hà Nội (Cầu Giấy, Hà Nội).

Chị Phượng cho biết, hàng tuần, cứ vào thứ 7 và chủ nhật, chị phải gửi cô con gái nhỏ cho ông bà ngoại để một mình vượt quãng đường hơn 50km từ Quốc Oai ra quận Cầu Giấy để học. “Để đến lớp học đúng giờ, tôi phải dậy từ 5h sáng, chuẩn bị đồ ăn, quần áo cho bé, rồi nhờ gia đình trông giúp. Nếu giao thông thuận tiện, khoảng 7h, tôi có mặt ở trường và học đến 17h. Khi tới nhà đón được con thì đã tối mịt, lúc này tôi lại lao vào cơm nước, chăm sóc con - kể ra cũng vất vả. Tôi ngại nhất vào những dịp mùa đông, trời mưa, rét, phải vượt đường xa… khi về đến nhà mệt muốn xỉu. Nhưng khi nghĩ về tương lai, nhất là của đứa nhỏ, tôi đành cố gắng vượt qua” - chị Phượng tâm sự.

Khoản học phí cũng là một “trở ngại” của bà mẹ đơn thân vượt khó, ham học. Mỗi học kỳ, chị Phượng đóng 7,5 triệu đồng học phí. Và để có tiền đóng học, chị Phượng đã phải đăng ký làm thêm giờ. “Nếu không có giúp đỡ của các đồng nghiệp, sự hỗ trợ tạo điều kiện của lãnh đạo Cty và công đoàn cơ sở (CĐCS), cũng như của gia đình…, tôi cũng khó hoàn thành công việc được giao và theo học để nâng cao trình độ. Với suy nghĩ, đến lúc qua tuổi thanh niên sung sức, không thể làm công nhân được, tôi phải cố gắng vì tương lai của con, của mình…” - chị Phượng chia sẻ.

Khát khao học ngoại ngữ

Chị Nguyễn Thị Lan (trú tại thôn Đông Xá, xã Đông Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã có 10 năm làm việc ổn định tại Cty Samsung Electronics Việt Nam (SEV, KCN Yên Phong, Bắc Ninh). Sau 7 năm gắn bó với Cty Samsung, có lẽ chị Lan sẽ vẫn mãi là một người nhân viên cần mẫn sáng đi làm, tối về chăm con nếu như không biết đến chương trình Cao đẳng nội bộ. Ước mơ khoác lên mình chiếc áo cử nhân dở dang vì hoàn cảnh gia đình năm xưa bùng lên mạnh mẽ khiến bà mẹ hai con quyết định nộp hồ sơ chuyên ngành Tiếng Hàn của trường Cao đẳng Bắc Hà học tại SEV. Được cả nhà ủng hộ, chị Lan càng thêm động lực và quyết tâm đi học.

Một ngày của chị Lan bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc lúc hơn 20 giờ, có những hôm là gần 23 giờ. Thách thức dành cho chị Lan càng tăng lên khi quá trình học cũng là lúc hai con lần lượt đi học. Ban ngày làm công việc tại bộ phận, buổi tối chị lên lớp. Sau khi tan học, chị Lan nhanh chóng về đón hai con từ nhà ông bà nội về tắm giặt vì công việc của chồng chị cũng bận rộn, thường xuyên về muộn. Rồi chị Lan vừa hướng dẫn con làm bài tập vừa tranh thủ ôn lại bài thầy giảng trên lớp, 4 giờ sáng hôm sau chị dậy sớm học tiếp. Khó khăn là vậy, nhưng chị Lan chưa một lần nghĩ tới chuyện từ bỏ.

“Bắt đầu đi học là tôi đã tự đặt cho mình mục tiêu rõ ràng là phải đạt chứng chỉ TOPIK, có thể giao tiếp được với người Hàn Quốc. Ba năm qua, nếu nói không có khó khăn thì không đúng, nhưng tôi chưa bao giờ xuất hiện ý nghĩ sẽ bỏ cuộc” - chị Lan tâm sự.

Sau quá trình học tập, hiện chị Lan đã có thể giao tiếp tiếng Hàn trôi chảy, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc dịch tài liệu, hay làm phiên dịch cho người Hàn Quốc sang nhà máy công tác.

* Ông Nguyễn Mạnh Hùng - CĐ Cty May xuất khẩu Hà Bắc (Bắc Giang): Lãnh đạo Cty luôn đưa ra những phần thưởng đối với CNLĐ nào có sáng kiến cải tiến kỹ thuật giảm được các thao tác, tăng năng suất. Bên cạnh đó, giám đốc luôn có phần thưởng hàng tháng đối với những người có thu nhập cao. Những điều này đã góp phần khuyến khích NLĐ luôn tích cực học tập, sáng tạo. Nhiều CN đã dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu để rút ngắn các thao tác, tăng năng suất lao động. BẢO HÂN (ghi)

* Ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bắc Ninh: Các DN trong các KCN của tỉnh chủ yếu là sản xuất điện tử, vì vậy, thường xuyên đòi hỏi CNLĐ phải nâng cao trình độ. Xuất phát từ thực tế đó, nhiều CNLĐ muốn tăng tay nghề, thu nhập cao thì cần phải tích cực học tập. Hiện nay, các DN FDI trong các KCN thường xuyên tổ chức nhiều lớp học ngoại ngữ, văn hóa giao lưu giữa hai quốc gia. Các CĐCS đã đề xuất lãnh đạo DN tạo điều kiện thời gian, hỗ trợ kinh phí để CNLĐ học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, ứng xử. CĐ các KCN cũng thường xuyên chỉ đạo các CĐCS tổ chức những lớp văn hóa giao tiếp ứng xử, các lớp về chuyên môn nghiệp vụ… để nâng cao kỹ năng, tay nghề, văn hóa cho NLĐ… QUẾ CHI (ghi)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn