MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: BHXH Việt Nam.

Người lao động làm gì trong thời gian chờ đến tuổi hưởng lương hưu?

Mạnh Cường LDO | 03/09/2023 11:47

Vì sức khỏe không cho phép hoặc bận việc riêng, nhiều lao động chọn nghỉ việc khi đã đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội. Trong thời gian chờ đến tuổi hưởng lương hưu, họ chọn ở nhà chăm cháu, kinh doanh riêng hoặc làm các công việc khác nhẹ nhàng hơn đủ sống.

Bà Trần Thu Trang (51 tuổi, Nam Định) cho biết, bản thân đã đóng bảo hiểm xã hội được 25 năm nhưng sức khỏe thấy ngày càng giảm sút. Bởi trước đây bà Trang làm ở bộ phận kho của công ty, thường xuyên phải khuân vác, sắp xếp hàng hóa nên cơ thể rất hay bị đau nhức.

Bà Trang quan niệm, sức khỏe mới là yếu tố quan trọng nhất. Tiền làm ra có bao nhiêu cũng hết, dư thì để lại cho con cái.

Bên cạnh sức khỏe yếu một lý do nữa cũng được bà Trang chia sẻ dẫn đến quyết định nghỉ việc đó là con lớn mới sinh cháu nhỏ. Vì thế, bà đã nghỉ ở nhà bế cháu để đỡ đần các con tập trung làm việc hiệu quả.

Thời gian chờ hưởng lương hưu, bà Trang chọn gửi tiết kiệm số tiền tích lũy lấy lãi chi tiêu và bế cháu để các con tập trung làm việc. Ảnh: NVCC.

“Mỗi tháng con cái có gửi tôi 2 triệu đồng tiền trông và mua thức ăn cho cháu nhưng tôi chỉ lấy 1 triệu đồng tiền thức ăn. Vì tôi vẫn có tiền lãi từ khoản để dành phòng cho tuổi già gửi tiết kiệm trong ngân hàng nên không lo lắng quá nhiều” - bà Trang nói.

Quyết định nghỉ công việc nhân viên văn phòng ở tuổi 45 khi đã đóng được 16 năm bảo hiểm xã hội, bà Phạm Thị Nga (Nghệ An), hiện tại 50 tuổi lựa chọn công việc mới nhàn hơn dù không được đóng bảo hiểm xã hội: tư vấn viên bảo hiểm thương mại. Số năm còn lại, bà Nga dự định sẽ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Theo bà Nga, công việc này đến với bà như một cái duyên vì trong gia đình cũng có người tham gia bảo hiểm và được chi trả thiết thực lúc ốm đau. Do đó, khi áp lực dồn nén ở công ty cũ, bà Nga đã xin nghỉ hẳn để theo nghề mới. 16 năm đóng bảo hiểm xã hội trước đó bà vẫn để lại hưởng lương hưu về sau.

“Công việc mới của tôi không yêu cầu tuổi tác, năng lực hay thể lực mà chủ yếu cần sự kiên trì, sáng tạo. Vì vậy, tôi đã quyết định xin nghỉ dù không được đóng bảo hiểm xã hội" - bà Nga nói.

Bà Phạm Thị Quang (54 tuổi, Nam Định) sau nhiều lần do dự đã xin nghỉ việc ở một công ty chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em ở tuổi 51. Thời điểm này, bà Quang đã đóng bảo hiểm xã hội được 21 năm và lựa chọn để lại hưởng lương hưu. Lý do nghỉ việc được bà Quang tiết lộ mùi đồ vật khá khó chịu, làm lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sau khi nghỉ hẳn ở công ty, bà Quang dùng 30 triệu đồng tích góp mua một chiếc máy ép nước mía, một chiếc tủ lạnh bán kem, kệ đựng và hàng hóa để mở cửa hàng tạp hóa nhỏ. Số tiền thu được vào những ngày mùa hè có lúc lên đến 80.000 đồng, mùa đông thì ít hơn khoảng 50.000 đồng đủ giúp bà trang trải cuộc sống.

Quán tạp hóa nhỏ của bà Quang - nguồn thu nhập chính trong thời gian chờ đến tuổi hưởng lương hưu. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, bà Quang cũng nuôi thêm gà để lấy trứng, trồng rau trên mảnh đất để không của hàng xóm nên đỡ được rất nhiều chi phí ăn uống. Thi thoảng các con có biếu thêm vài trăm thì bà nhận, vài triệu đồng nhất định bà sẽ từ chối.

“Sắp tới tôi tính nhờ con cái bắn mái tôn trước sân để trông trẻ. Mỗi trẻ tôi thu 300.000 đồng, trông 5 trẻ thôi cũng được 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Tôi sẽ trông trẻ đến 60 tuổi rồi nghỉ ngơi hẳn, lúc đó có lương hưu và ít tiền bán hàng chắc đủ sống" - bà Quang chia sẻ về dự định sắp tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn