MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên đảm bảo chạy tàu ga Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Người lao động lo lắng

Nhóm pv LDO | 22/02/2020 07:54

Dư luận đang ồn ào về việc một bộ phận người lao động ngành Đường sắt có thể sẽ không được nhận lương thời gian tới vì TCty Đường sắt Việt Nam chưa được giao dự toán ngân sách. Trước thông tin trên, phóng viên Báo Lao Động đã ghi nhận thực trạng tại các cung đường sắt trên toàn quốc.

Người lao động vẫn được nhận lương

Sáng 21.2, tiếp xúc với phóng viên, nhân viên gác chắn của các công ty: Cổ phần Đường sắt Hà Hải, Cổ phần Đường sắt Hà Ninh. Họ đều cho biết, đến thời điểm này vẫn được trả lương bình thường, không bị nợ lương.

Ông Trương Nam Long - Đội trưởng đội chắn Hà Nội (Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải)  - cho hay, có thể một số đơn vị không có nguồn vốn nào khác mà chỉ trông chờ nguồn từ trên “rót” về nên không thanh toán lương kịp thời cho nhân viên gác chắn; còn Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải chưa xảy ra chuyện nợ lương NLĐ. 

Ông Long thông tin, nhân viên của đội vẫn lĩnh lương bình thường, nếu có chậm thì chỉ chậm 1-2 ngày. “Việc chậm trả lương chậm 1-2 ngày thường xuyên xảy ra trong năm chứ không phải bây giờ mới xảy ra” - ông Long nói.

Chị Dương Thị Thu Hương - nhân viên gác chắn trạm chắn đường tàu Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) thuộc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải - nói rằng, thời gian trước, nhân viên được nhận lương từ ngày mùng 1 đến mùng 10; còn từ tháng 2 là từ ngày 15-20. Hai tháng nay, mọi người vẫn nhận lương bình thường, không xảy ra việc nợ lương. Còn tháng 2 đang chậm lương 1 ngày. 

Chị Hương mong không phải chậm lương vì nếu như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt gia đình, bởi đầu tháng phải thanh toán tiền điện nước, tiền học cho con, tiền sinh hoạt hàng ngày. 

Trạm chắn nơi chị Hương làm việc có 6 người, chia 3 ca làm việc, mỗi ca 2 người. Nếu hôm nay chị làm ca ngày (từ 7 giờ sáng đến 18 giờ tối) thì hôm sau sẽ làm ca đêm (từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau). “Mỗi khi trực đêm, nhân viên gác tàu không được ngủ, bởi chỉ nếu sơ suất một chút, chứ chưa nói đến ngủ quên, thì rất dễ dẫn đến sự cố. Nếu trường hợp nghiêm trọng xảy ra, nhân viên gác chắn có thể phải đi tù… Vì vậy, mỗi khi trực đêm thấy đầu óc luôn căng thẳng” - chị Hương nói.

Trạm gác chắn Định Công, đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) rộng chừng 9m2 vừa là nơi ăn uống, vừa là nơi làm việc của các nhân viên. Chị Tạ Thị Thu Hà (sinh năm 1970, làm việc tại Công ty CP Đường sắt Hà Hải, trú tại Đại Từ, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) gắn bó với trạm đã 30 năm. Chị Hà cho biết, trạm có 3 ban, mỗi ban 2 người trực, làm việc bất kể ngày đêm, dù cái nắng như thiêu như đốt hay mưa lạnh cắt da cắt thịt.

Theo chị Hà, trong 30 năm công tác tại trạm gác chắn, chị nuôi 2 con ăn học đến tuổi trưởng thành, nhưng lúc nào gia đình cũng trong tình cảnh “thiếu trước, hụt sau”. Cuộc sống khó khăn, đồng lương đi làm có khi được 5 - 6 triệu đồng/tháng, nếu trừ bảo hiểm và một số khoản khác, thực nhận chỉ còn 3 - 4 triệu đồng.

“Hiện nay, lượng tàu lưu thông qua các trạm kiểm soát vẫn vậy, chỉ hành khách thì thưa vắng. Ban lãnh đạo công ty cũng chưa có bất cứ thông báo cụ thể nào bằng văn bản hay thông tin trực tiếp về việc chậm lương đến các đơn vị” - chị Hà nói.

NLĐ mong nguồn tài chính ổn định

Chị Trần Thị Hồng Thúy - nhân viên gác chắn trạm Xuân Hòa (đường Hà Huy Tập, thành phố Đà Nẵng), thuộc Cty Cổ phần Đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng - cho biết, đã nắm được thông tin về  khó khăn của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó chưa ảnh hưởng gì đến Cty Cổ phần Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng. 

“Tháng 2 vừa rồi và trước đó, tôi vẫn nhận lương (trung bình 6 triệu đồng/tháng) đầy đủ. Trước đó, thưởng Tết vẫn như mọi năm. Tôi cũng chưa nghe ban giám đốc công ty nói gì về chuyện khó khăn hay thay đổi” - chị Thúy cho hay. 

Được biết, Công ty Cổ phần Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng hiện có hơn 600 lao động ở hai lĩnh vực gác chắn và cầu đường. Địa phận công ty này quản lý từ Lăng Cô (Thừa Thiên -Huế) đến Trị Bình (Quảng Ngãi).

Ngày 21.1, trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Tùng - Trưởng ga Vinh (Nghệ An) - cho biết, đến nay, toàn bộ cán bộ lao động viên chi nhánh đường sắt Vinh vẫn được trả lương đều đặn, tuy nhiên có thấp hơn so với trước (giảm trung bình 500.000 đồng/người/tháng).

Các hoạt động của chi nhánh vẫn bảo đảm bình thường, thông suốt, đúng quy định. Anh em cán bộ lao động viên chia sẻ với khó khăn chung của ngành. Đồng thời, anh chị em cán bộ, NLĐ mong muốn kế hoạch tài chính của ngành Đường sắt sớm được thông qua, có nguồn tài chính ổn định để bảo đảm lương, thu nhập cho NLĐ, hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng vận tải, phục vụ hành khách. Hiện, tổng số lao động thuộc ga Vinh gần 390 người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn