MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nguyễn Đình Quyết - công nhân Cty CP nhựa miền Trung tại KCN Điện Nam Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: H.L

Người lao động mong cuộc sống bớt khó khăn

HỮU LONG - ĐẮC THÀNH LDO | 20/04/2017 06:25
Trong cuộc gặp gỡ và đối thoại cùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào ngày thứ bảy (22.4) tới, công nhân của 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và TP.Đà Nẵng sẽ đại diện cho hàng vạn người lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gửi gắm những băn khoăn, lo lắng trong quá trình lao động sản xuất đến người đứng đầu Chính phủ.

Niềm vinh dự

Là một trong những người được đại diện cho người lao động tham gia buổi đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai công nhân đang làm việc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế không khỏi bất ngờ và xúc động. Cả năm làm lụng quần quật lo toan miếng cơm manh áo cho gia đình, việc họ thay mặt cho hàng vạn người lao động trên địa bàn vinh dự được gặp Thủ tướng Chính phủ để gửi gắm những nguyện vọng, tâm tư như là một giấc mơ đối với anh Nguyễn Hồng Quang (SN 1983, làm việc tại Khu công nghiệp Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và chị Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1967, công tác tại Cty HBI, Khu công nghiệp Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Dù đang làm việc, nhưng khi nhận điện thoại của chúng tôi hỏi về việc sắp được gặp Thủ tướng để đối thoại trực tiếp, anh Quang hồ hởi nói: “Được đại diện cho người lao động của tỉnh đi gặp và đối thoại trực tiếp với Thủ tướng, mình vui lắm. Việc được gặp người đứng đầu Chính phủ như là một ước mơ của những người lao động như tụi mình”.

Anh Quang cho biết thêm, khi được tổ chức công đoàn tin tưởng chọn là người tham gia đối thoại với Thủ tướng, ngoài giờ làm việc, những lúc rảnh rang anh Quang luôn suy nghĩ những câu hỏi để gửi gắm đến Thủ tướng. Câu hỏi đó không những là thắc mắc, là nguyện vọng của riêng mình anh Quang mà còn là đại diện cho hàng vạn lao động ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. “Suy nghĩ câu hỏi để gửi gắm đến Thủ tướng không phải là chuyện đơn giản, câu hỏi đó không chỉ riêng mình mà cả một tầng lớp công nhân. Nhưng không phải khó mà tôi bỏ bởi đây là cơ hội để bày tỏ nguyện vọng của người lao động nghèo đến Chính phủ” - anh Quang chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Đình Quyết (công nhân tại Cty CP nhựa miền Trung tại KCN Điện Nam Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam) khi hay tin Thủ tướng sẽ có buổi đối thoại thẳng thắn với hàng ngàn công nhân tại miền Trung, anh đã mạnh dạn đăng ký tham gia gửi câu hỏi tới người đứng đầu Chính phủ. Theo lời kể của anh, với thời gian làm việc gần 10 năm qua và từng đảm nhận vị trí Chủ tịch Công đoàn Cty nhiều năm liền, anh hiểu rõ những nỗi vất vả, khó khăn mà NLĐ gặp phải. “Ban đầu, tôi còn trăn trở vì nỗi vất vả, khó khăn của người lao động dù ở Quảng Nam hay nơi đâu đều giống nhau; vấn đề tiền lương, vấn đề nhà ở, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm… Vì vậy, tôi đã hứa với mọi người sẽ cân nhắc và đặt một câu hỏi thật phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người lao động không chỉ ở riêng Quảng Nam mà còn ở trên cả nước” - anh Quyết chia sẻ.

Anh Đỗ Hữu Phước, công nhân Cty TNHH Điện tử Việt Hoa tại Đà Nẵng  Ảnh: H.L

Đặt trọn tin tưởng vào Chính phủ kiến tạo

Anh Đỗ Hữu Phước (công nhân Cty TNHH Điện tử Việt Hoa tại Đà Nẵng) cho biết, từ thời điểm lên nhận chức cho đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần khẳng định, Chính phủ hiện nay là một tập thể đoàn kết, đây là cơ sở quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo. Theo anh Phước, một trong những tuyên bố được lòng dân của Thủ tướng đó là xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, kiến tạo và phục vụ, khuyến khích sự kinh doanh của các doanh nghiệp.

“Một khi doanh nghiệp yên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng và làm ăn có lợi nhuận thì người lao động chúng tôi cũng được hưởng lợi rất nhiều. Gặp Thủ tướng, tôi dự định sẽ đại diện cho người lao động tại Đà Nẵng gửi đến Thủ tướng câu hỏi về vấn đề Chính phủ sẽ có những quyết sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp vì doanh nghiệp được phát triển thì cũng sẽ chăm lo cho người lao động tốt hơn” - anh Phước cho biết.

Cũng chung cảm xúc đó, chị Nguyễn Thị Phương Thảo (công tác tại Công ty HBI, Khu công nghiệp Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, khi được nghe thông tin Thủ tướng sẽ đối thoại trực tiếp với công nhân, không những bản thân chị vui mừng mà nhiều chị em trong Cty cũng rất tự hào. Gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chị Thảo tự tin sẽ đại diện để nói lên nhiều tâm tư, nguyện vọng của người lao động nữ đến người đứng đầu Chính phủ. “Lâu nay, công nhân nữ như mình khá hài lòng về những chính sách của Đảng và Chính phủ đối với người lao động nữ. Nhưng mình muốn hỏi thêm về những chính sách cho lao động nữ khi Luật Lao động được sửa đổi. Mình hy vọng qua lần đối thoại này, Thủ tướng sẽ có thêm những chính sách, những cách làm hay để giúp đỡ công nhân, để cuộc sống của người lao động bớt khổ cực hơn” - chị Thảo bộc bạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn