MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động ở Đà Nẵng mong gói 20.000 tỉ đồng sớm được triển khai. Ảnh: Tường Minh

Người lao động mong gói 20.000 tỉ đồng sớm được triển khai

Hoàng Văn Minh LDO | 23/08/2022 06:57

Người lao động ở Thành phố Đà Nẵng mong gói 20.000 tỉ đồng cho công nhân vay tiêu dùng để xoá sổ “tín dụng đen” sớm được triển khai và đơn giản thủ tục để họ có cơ hội tiếp cận.

“Tín dụng đen”, khó tránh

Chị Lê Thị Hương, công nhân của một doanh nghiệp may đang làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, TP.Đà Nẵng. Gia đình chị là khách quen của một quán bún bò Huế trên đường Hoàng Diệu. Hồi chưa có dịch COVID-19, mỗi lần đi ăn bún chị thường đi với chồng. Gần đây, chị Hương và chồng thường đi ăn bún kiểu luân phiên.

“Sau dịch COVID-19, cuộc sống quá khó khăn nên không có đủ tiền để đi ăn bún cùng lúc hai người như trước nên mới chia nhau người ăn người nhịn” - chị Hương nói.

Theo chị Hương, từ đầu năm đến nay, giá cả leo thang… trong khi lương thưởng đều đứng yên khiến cuộc sống của người lao động, nhất là lao động trong các khu công nghiệp phải thuê nhà trọ tại Đà Nẵng gặp vô vàn khó khăn. Việc người lao động phải tìm đến những nơi cho vay lãi cao, thường gọi là “tín dụng đen” là điều tất yếu, có khi là “thuận mua vừa bán” chứ không phải là bẫy.

Chị Hương thú nhận dịp Tết năm ngoái chị cũng từng là nạn nhân của “tín dụng đen” kiểu “tiền mười”: Vay tiền với lãi suất 10% tháng và cứ 10 ngày thì trả lãi 1 lần.

“Tôi vay 30 triệu đồng, vừa nhận tiền là bị trừ ngay 3 triệu đồng tiền lãi. Cứ đến 10 ngày tiếp theo phải trả 3 triệu đồng tiền lãi, không trả thì lãi mẹ đẻ lãi con, quá hạn sẽ bị xiết điện thoại, xiết xe... hoặc gọi réo đến lãnh đạo công ty như báo chí đã phản ánh. May mà 2 tháng sau, em tôi đang xuất khẩu lao động bên Nhật Bản biết tin, gửi tiền về cho mượn để trả nợ” - chị Hương kể.

Nên đơn giản thủ tục

Chị Hương nghe thông tin sẽ có 20.000 tỉ đồng cho công nhân vay với lãi suất ưu đãi để người lao động có điều kiện cải thiện cuộc sống, tránh bẫy “tín dụng đen”.

“Nếu được như vậy thì quá may mắn cho người lao động như chúng tôi” - chị Hương cười tươi.

Tuy nhiên, chị Hương mong rằng, với các gói hỗ trợ hay vay vốn, các cấp chính quyền nên sớm ban hành các quy định, thủ tục đơn giản cũng như giải ngân nhanh để người lao động sớm được tiếp cận. Đừng để như thời gian qua, thực tế Chính phủ và địa phương có rất nhiều gói hỗ trợ đối với người lao động như chị Hương trong và sau dịch COVID-19. Tuy nhiên hầu hết các gói hỗ trợ đều triển khai rất chậm, nhiều thủ tục rườm rà khiến người lao động rất nản lòng.

“Ví dụ gần nhất là gói hỗ trợ tiền thuê nhà, phải mất hơn 3 tháng với không biết bao nhiêu thủ tục nhiêu khê, nhưng đến thời điểm này trong công ty tôi mới có hơn 1.000 lao động nhận được tiền, còn tôi phải chờ đến đợt 2 vì hồ sơ nộp và xét duyệt muộn. Trên báo nói Đà Nẵng là địa phương đứng thứ 3 cả nước về xét duyệt hồ sơ và giải ngân mà còn chậm như vậy, các địa phương khác thì sao? Nói thật là nhiều khi, số tiền hỗ trợ đến tay công nhân không còn niềm vui và ý nghĩa” - chị Hương nói.

Cùng ý kiến với chị Hương, bà Lê Thị Hải Châu, Chủ tịch Công đoàn Cty CP Dệt may 29/3 (Đà Nẵng) cho rằng, đây là một tin rất vui đối với người lao động khó khăn và hy vọng sẽ được triển khai sớm.

“Tôi không biết thủ tục sẽ triển khai thế nào, nhưng sẽ không khả thi như những gói vay hay hỗ trợ trước đó nếu yêu cầu chủ doanh nghiệp ký vào hồ sơ để cam kết, ràng buộc trách nhiệm” - bà Châu nói.

Về tiến độ của gói 20.000 tỉ đồng ở Đà Nẵng, theo ông Nguyễn Duy Minh - Chủ tịch LĐLĐ TP.Đà Nẵng - thì “đang ở giai đoạn “Tổng LĐLĐVN phối hợp với địa phương để khảo sát nhu cầu, sau đó trên cơ sở nhu cầu thực tế mới phân bổ vốn vay, rồi mới tiến hành các thủ tục tiếp theo...”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn