MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Hải Nguyễn

Người lao động mong muốn được tham gia đầy đủ chế độ BHXH, BHYT

Hà Anh - Hải Nguyễn LDO | 03/03/2023 18:32

Chiều 3.3, Tổng LĐLĐVN, Viện Công nhân và Công đoàn tổ chức toạ đàm “Chỉ số hài lòng về cuộc sống (hạnh phúc) của đoàn viên công đoàn và vấn đề đặt ra”. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải chủ trì buổi toạ đàm. 

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn 

Phát biểu khai mạc buổi toạ đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải cho biết, buổi toạ đàm được tổ chức nhằm ghi nhận được ý kiến, góp ý của các nhà khoa học, cán bộ công đoàn về những vấn đề liên quan đến chỉ số hạnh phúc của đoàn viên công đoàn. Những ý kiến của các nhà khoa học rất quan trọng, động viên tổ chức công đoàn tiếp tục quan tâm và làm sâu sắc hơn các hoạt động để giữ vững và tiếp tục nâng cao sự hài lòng của đoàn viên về quan hệ gia đình và xã hội... 

Tiến sĩ Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn phát biểu tại buổi toạ đàm. Ảnh: Hải Nguyễn 

Tại buổi toạ đàm, Tiến sĩ Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, vừa qua, Viện Công nhân Công đoàn (CNCĐ) đã tiến hành tổ chức “Điều tra xã hội học về nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn hiện nay” nhằm xác định mức độ hài lòng của đoàn viên công đoàn đối với cuộc sống (chỉ số hạnh phúc); nhận diện những nhu cầu, nguyện vọng chủ yếu của đoàn viên công đoàn hiện nay. 

Theo Viện CNCĐ, đối tượng điều tra là đoàn viên công đoàn (đã có mã số đoàn viên trong cơ sở dữ liệu của Tổng LĐLĐVN) thuộc 3 loại hình cơ sở: Nhóm 1 - cơ quan nhà nước (CQNN); nhóm 2 - đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL); nhóm 3: Doanh nghiệp, hợp tác xã.

Nội dung điều tra tập trung vào 2 nội dung chính: Sự hài lòng của đoàn viên công đoàn đối với cuộc sống (chỉ số hạnh phúc) trong đó tập trung vào sự hài lòng về điều kiện kinh tế - vật chất, môi trường tự nhiên; sự hài lòng về quan hệ gia đình – xã hội; sự hài lòng về bản thân. Nội dung 2 là xác định nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn về việc làm, cuộc sống hiện nay và mức độ quan tâm của đoàn viên công đoàn đối với từng nhu cầu, nguyện vọng đó. 

Thời gian qua, Viện CNCĐ đã tiến hành điều tra khoảng 6.000 đoàn viên công đoàn thuộc 16 tỉnh, ngành (chiếm 19,5% tổng số tỉnh, ngành cả nước)…

Qua phân tích một số kết quả điều tra, tổng hợp từ 48 tiêu chí, Viện CNCĐ cho biết: 

Về những yếu tố liên quan đến việc làm, CNLĐ thể hiện mong muốn cao về các nội dung: Được chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm (65%); nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương, phúc lợi tập thể (64%); không bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, phân biệt đối xử, quấy rối tình dục (59%); không bị chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc, nghỉ việc bất công (56%); có việc làm, giữ được việc làm ổn định (55%); được làm công việc phù hợp với khả năng, trình độ và chuyên môn của mình (54%); được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp (53%); được tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm mới khi bị mất việc (48%); có cơi hội thăng tiến nghề nghiệp, được làm việc ở vị trí cao hơn (43%). 

Về những yếu tố liên quan đến tiền lương, điều kiện lao động, quan hệ lao động và an sinh xã hội, CNLĐ thể hiện mong muốn cao về các nội dung như được tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp (77%); được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động (65%); có chế độ trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng đầy đủ (64%); người sử dụng lao động thực hiện đúng quy định, nội quy, quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (62%); được cung cấp bữa ăn ca bảo đảm an toàn thực phẩm, đủ dinh dưỡng (56%); được tham gia đối thoại, thương lượng tập thể để bảo vệ quyền, lợi ích của mình (54%); nhà nước kịp thời điều chỉnh tiền lương tối thiểu (54%); đi làm phải đủ sống và có tích luỹ phòng khi bị giảm hoặc mất việc làm (52%).

Về những yếu tố liên quan đến cuộc sống, CNLĐ mong muốn cao về các nội dung: Địa phương có các cơ sở giáo dục, y tế công lập: nhà giữ trẻ, trường học, bệnh viện, nơi khám chữa bệnh... thuận tiện (64%); có đời sống văn hoá, tinh thần tốt (64%); được làm gần nhà, gần vợ chồng, con (nếu có), bố mẹ (62%); được quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ khi gặp khó khăn, hoạn nạn (62%); điện, nước sinh hoạt đầy đủ với giá cả phù hợp với thu nhập của người lao động (61%); có nhà riêng (57%); có thời gian nghỉ ngơi, giải trí sau giờ làm việc ở doanh nghiệp (52%); khi khó khăn thì được vay tiền với lãi suất theo quy định của Nhà nước (45%); được người sử dụng lao động bố trí chỗ ở; hoặc thuê được nhà trọ phù hợp với thu nhập và nhu cầu của người lao động (41%)...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn