MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân ngoài 40 thường sức khoẻ sẽ không đảm bảo để tham gia lao động sản xuất trực tiếp. Họ mong muốn được giảm tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu. Ảnh: Đỗ Phương

Người lao động mong muốn giảm tuổi nghỉ hưu

Đỗ Phương LDO | 22/11/2021 08:00
Lý do chính khiến nhiều công nhân lao động chấp nhận thiệt thòi để rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần bởi vì không chờ được tới ngày lĩnh lương hưu.

Tiền BHXH 1 lần giúp ích cho NLĐ

Hơn 1 năm nay, chị Nguyễn Thị Vân (43 tuổi, sống tại TPHCM) vẫn chưa thể tìm được công việc mới để tiếp tục đóng BHXH. Chị Vân từng làm nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu, tháng 6.2020, công ty giải thể do dịch, chị Vân mất việc làm.

Chị Vân từng nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi với vị trí tương đương, nhưng cơ hội được phỏng vấn rất ít. Hầu hết các nơi tuyển dụng đều đưa ra yêu cầu nữ từ 25 - 35 tuổi.

Cơ hội việc làm không có khiến cánh cửa tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội chờ đến tuổi hưu của chị Vân hẹp dần. Thời điểm đó, để có tiền trang trải sinh hoạt phí, chị Vân bất đắc dĩ làm hồ sơ xin rút BHXH 1 lần.

Tháng 7.2021, chị Vân nhận khoản tiền BHXH 1 lần sau 12 năm đóng BHXH. Chị Vân cho biết, số tiền BHXH 1 lần giúp ích cho chị rất nhiều. “Tôi đã sử dụng 1 phần để sửa lại nhà, phần còn lại dùng làm vốn để mở sạp hàng nhỏ” - chị Vân nói.

Khi được hỏi về việc có muốn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu, Chị Vân cho rằng: Nếu sau này việc buôn bán thuận lợi chị cũng tính đến việc đóng BHXH tự nguyện. Chị Vân cũng đã  tìm hiểu các quy định để được hưởng lương hưu: Nữ 55 tuổi và đóng đủ 20 năm BHXH tự nguyện trở lên. Trường hợp đã đủ điều kiện về tuổi nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

“Như vậy, nếu tôi tham gia tiếp thì đến năm 63 tuổi tôi mới có lương hưu. Thời gian đóng BHXH như vậy là khá dài. Tôi mong muốn giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm thay vì 20 năm” - chị Vân đề xuất.

Không nên cứng nhắc tuổi nhận hưu

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2020, số tiền thu BHXH bắt buộc trên 261.700 tỉ đồng, tăng gần 6,3% so với năm 2019. Tổng chi chế độ từ nguồn quỹ BHXH trên 193.600 tỉ đồng (tăng hơn 15.100 tỉ đồng, 8,47%). Trong đó, số người hưởng BHXH 1 lần năm 2020 khoảng 860.700 (tăng 6,65%).

Tháng 4.2021, BHXH Việt Nam công bố số liệu cho thấy, cả nước có hơn 226.500 người hưởng BHXH 1 lần; tăng hơn 46.400 người so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài việc đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, khá nhiều công nhân lao động chọn cách rời hệ thống an sinh, quyết định rút BHXH 1 lần vì độ tuổi hưởng lương hưu cao khiến họ không còn đủ sức khoẻ để tiếp tục công việc.

Hết năm nay, chị Hoàng Thị Luyến - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) sẽ xin nghỉ việc ở công ty sau 13 năm gắn bó. Chị Luyến năm nay 41 tuổi, từ khi sinh xong con thứ 2, sức khoẻ giảm sút rõ rệt. Suốt thời gian làm ở công ty, chị Luyến từ nhân viên đóng gói sau đó được chuyển sang bộ phận kiểm tra hàng, ròng rã 8-12 tiếng mỗi ngày làm việc.

Chị Luyến quyết định xin nghỉ việc vì bị bệnh thoát vị đĩa đệm, mắt kém. Khi nghỉ ở công ty, chị Luyến cũng như nhiều lao động ở tuổi trung niên khác khó có khả năng đóng tiếp BHXH tự nguyện hay tìm kiếm công việc mới. Chị Luyến quyết định rút BHXH 1 lần rồi về quê chờ lấy vốn chăn nuôi.

Nhiều năm làm ở công ty, chị Luyến cho hay, thực tế doanh nghiệp tư nhân không muốn sử dụng công nhân 47-50 tuổi. Vì thế, độ tuổi ngoài 40, rất nhiều đồng nghiệp của chị đã xin nghỉ việc rồi hưởng BHXH 1 lần. “Chúng tôi nhận thấy rất khó để nhận được lương hưu khi làm đến năm 60 tuổi. Tôi đề xuất hạ thấp tuổi nhận lương hưu xuống còn 50 với nữ, 55 tuổi với nam. Không nên cứng nhắc tuổi nhận hưu theo tuổi lao động tối đa” - chị Luyến cho hay.

Còn anh Giang Văn Hoàn (Hà Nội), 40 tuổi, đóng BHXH được 18 năm, làm ở công ty cơ khí. Anh Hoàn là công nhân lao động trực tiếp, nếu đợi đến tuổi hưu e rằng sẽ không đủ sức khoẻ đảm bảo cho công việc.

Khi biết được thông tin tuổi nghỉ hưu sẽ tăng từ năm 2021, anh Hoàn cho biết, sẽ làm thêm 5 năm nữa rồi xin nghỉ vì biết rằng không đủ sức khoẻ để đảm bảo công việc. “Nếu theo tuổi nghỉ hưu, tôi phải làm đến năm 62 tuổi. Dù biết sẽ thiệt thòi nếu rút BHXH 1 lần nhưng tôi cũng không còn cách nào tốt hơn. Tôi mong muốn giảm tuổi hưu để hưởng lương hưu với cả lao động nam và nữ” - anh Hoàn chia sẻ.

Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu được quy định: Đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn