MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người lao động mong rút ngắn năm đóng bảo hiểm xã hội hưởng lương hưu

Phương Linh LDO | 21/04/2021 09:24

Vui mừng và đồng tình là nhận định chung của người lao động khi tiếp nhận thông tin Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra dự thảo rút ngắn năm đóng bảo hiểm xã hội hưởng lương hưu.

Chị Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi, trú Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang) làm công nhân Công ty sản xuất Mỹ nghệ tại Khánh Hòa tham gia bảo hiểm xã hội đã được 13 năm. Chị Hoa cho biết: “Dịch bệnh nên công ty dừng hoạt động, phải nuôi 2 con học đại học nên có lúc tôi muốn rút bảo hiểm xã hội một lần để có tiền lo trước mắt. Nhưng nghĩ không có lương hưu về già thì bấp bênh hơn nên còn đắn đo. Nếu thời gian đóng còn 2 năm tôi cố gắng nhưng kéo dài 7 năm nữa mới đủ điều kiện hưởng lương hưu không biết tôi có theo được không”.

Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều người lao động, đặc biệt vào thời điểm xảy đại dịch COVID-19 khiến nhiều việc làm bị mất, đồng thời làm mất đi cơ hội duy trì bảo hiểm xã hội.

Chị Trần Thị Hồng Nhung, công nhân Công ty May mặc ở Khu Công nghiệp Suối Dầu (Huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), cho biết: “Nếu theo dự thảo, 15-10 năm đóng bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu thì tôi rất đồng tình. Làm công nhân may 15 năm, lương 4-5 triệu đồng/ tháng, không có tích lũy... tôi cũng cố gắng phấn đấu vì cuốn sổ hưu về già”.

Ông Tô Văn Khải - Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Phú Yên cho rằng: “Đa số công nhân sẽ đồng tình. Bản thân tôi cũng thấy đây là phương án rất tốt cho người lao động. Vì những lao động làm việc đóng bảo hiểm xã hội được trên 10 năm, nếu có thay đổi việc làm, thu nhập thì cũng yên tâm có được một khoản lương hưu”.

Ông Khải cho biết, các khu công nghiệp tại Phú Yên mới thành lập hiện có hơn 9.000 lao động, đa số lao động trẻ có độ tuổi trung bình từ 30-40. Về lâu dài, thế hệ lao động lớn tuổi sẽ phải chuyển đổi tìm kiếm công việc phù hợp. Vì thế, việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn 10 hay 15 năm được hưởng lương hưu sẽ giúp đối tượng lao động này có điểm tựa rất lớn. Tuy nhiên việc rút ngắn thời gian đóng cũng nên đưa ra sàn tối thiểu để người lao động được hưởng mức cơ bản của cuộc sống.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến nên xem xét lại việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ tác động nhiều đến người lao động và doanh nghiệp. Ông Đoàn Ngọc Cứ - Phụ trách nhân sự Công ty TNHH Tín Thịnh (Khu Công nghiệp Suối Dầu, Khánh Hòa) cho rằng: “Rút ngắn thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thì không tương xứng với thời gian tham gia lao động của người lao động hiện nay đã tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam 62 tuổi và nữ 60 tuổi. Thời gian tham bảo hiểm xã hội ít do giảm số năm thì tích lũy ít, tính lương hưu thấp không có cạnh tranh lương để chờ nghỉ hưu. Và giảm thời gian tham bảo hiểm xã hội thì vô tình làm già hóa lao động tại doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động trầm trọng từng năm”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà - Trưởng phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội - Bảo hiểm Xã hội tỉnh Khánh Hòa khẳng định: Giảm thời gian đóng sẽ có lợi cho người lao động. Bởi hiện nay, số lao động đăng ký bảo hiểm xã hội một lần tăng cao, kéo theo đó quyền lợi bị ảnh hưởng lớn và lâu dài tác động đến an sinh xã hội. Năm 2019 Khánh Hòa có 11.103 lao động đăng ký bảo hiểm xã hội 1 lần; năm 2020 là 12.387 lượt người và trong quý 1.2021 đã có 5.896 lượt người.

“Việc thay đổi này có thể triển khai ngay được nhưng cần tính toán mức mức hưởng đảm bảo để quỹ bảo hiểm xã hội vận hành tốt. Bên cạnh đó cần cơ chế riêng cho những trường hợp đặc biệt cần hưởng bảo hiểm xã hội một lần”, bà Hà nói

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn