MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân lao động ở khu nhà trọ phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng). Ảnh: Tường Minh

Người lao động mùa giáp Tết: Một trăm nghìn đồng cũng nâng lên đặt xuống

Tường Minh LDO | 01/01/2021 07:31
Chưa bao giờ, người lao động (NLĐ) ở miền Trung, đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 như TP.Đà Nẵng lại khó khăn như năm nay. Nhiều NLĐ bây giờ phải nâng lên đặt xuống từng trăm nghìn đồng cho các khoản chi tiêu và đôi khi còn buộc phải “bỏ qua” cả ước mơ của con cái.

Không hy vọng lắm về thưởng Tết

Khu nhà trọ công nhân (CN) phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng một chiều cuối năm. Chúng tôi gặp lại chị Hồ Thị Hoa - CN Khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm - đang đứng đứng bên song cửa sổ nấu bữa tối. Hỏi chuyện thưởng Tết, chị bảo: “Đến giờ vẫn chưa nghe bên công ty (Cty) nói gì nên cũng không hy vọng lắm”.

Chị Hoa quê tận Ninh Bình, ly dị chồng, dắt theo con gái lớn vào Đà Nẵng làm công nhân đã được hai năm. Con gái lớn của chị, hiện cũng là CN của một doanh nghiệp (DN) ở KCN Hòa Cầm. Chị ví von: “Mặc dù hai mẹ con làm cho hai DN khác nhau nhưng hoàn cảnh thì y chang nhau do DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, việc làm bị cắt, kéo theo thu nhập bấp bênh”.

Ngoài con gái lớn ở trong này, chị Hoa còn có hai con nhỏ đang gửi ngoài quê cho bà ngoại. “Trong này, hai mẹ con vừa kiếm tiền nuôi nhau vừa tranh thủ dành dụm để hằng tháng gửi về phụ bà ngoại nuôi con. Năm trước còn đỡ, nhưng năm nay thì khó khăn đến mức không biết phải nói thế nào” - chị Hoa thở dài.

Hàng xóm của chị Hoa là chị Lài, quê ở Nghệ An. Khác chị Hoa, chị Lài cùng chồng và hai con vào đây lập nghiệp từ 5 năm trước. Hai con của chị Lài hiện theo học trung học cơ sở ở Đà Nẵng. Con trai lớn, vốn có đam mê cháy bỏng với võ thuật nên chị cho theo học một lớp Karate ở gần khu nhà trọ. Học phí 150.000 đồng/tháng, tuy nhiên do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cháu được giảm 50.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, mới đây, anh chị đành phải cho con trai nghỉ học võ. “Bởi bây giờ khó khăn quá nên 100.000 đồng/tháng cũng phải cân nhắc, nâng lên đặt xuống” - chị nói.

Chị Lài còn kể, gia đình chị thường ăn sáng bằng mì tôm, nhưng gần đây buộc phải chuyển sang ăn cơm nguội để tiết kiệm.

Người lao động phải đi vay với lãi suất cao

Để có tiền chi tiêu, chị Hoa mới thú thật là hôm nọ mới vay ngoài 10 triệu đồng, trả 12 tháng, mỗi tháng trả cả gốc lẫn lãi là 1.084.000 đồng để giải quyết những chuyện trước mắt. Chị bảo lãi suất cao nhưng không còn cách nào khác bởi quanh mình ai cũng khó khăn như nhau. “Mà giờ muốn đi vay ngoài cũng khó khăn lắm bởi người ta đòi hỏi phải có bằng chứng lương trả qua thẻ ngân hàng hằng tháng, rồi sổ bảo hiểm, rồi phải chứng minh là lâu nay chưa có tiền lệ trả quá hạn trong các hợp đồng trả góp thì người ta mới đồng ý” - chị Hoa cho hay.

Thực tế, theo chị Hoa, người lao động (NLĐ) giờ khó khăn nên đi vay ngoài khá phổ biến nhưng không ai công khai chuyện nợ nần cho người khác biết nên người này chỉ “nghe nói” loáng thoáng về người kia mà thôi.

Thời điểm này ở Đà Nẵng, hoạt động cho vay bên ngoài không còn giới hạn ở việc dán trên các trụ điện hay tường rào mà còn công khai cả trên các mạng xã hội Zalo, Facebook với các thông tin kiểu: “Chần chờ gì, hãy đến với SHBFC. Chỉ cần bạn đang phân vân thì đã có biết bao nhiêu người được giải ngân bên SHBFC rồi. Nếu bạn muốn vay, nói đi, ngại gì? Để SHBFC lo cho”. Và bên dưới tất nhiên kèm theo số điện thoại. Hoặc “có bảo hiểm y tế công ty cấp cho vay 10-100 triệu alo em 03569255xx”...

Phóng viên gọi thử vào một số điện thoại công bố trên Zalo để hỏi vay tiền. Sau khi trả lời tất cả các câu hỏi về nợ quá hạn, sổ lương, bảo hiểm... đầu dây bên kia yêu cầu chúng tôi kết nối Zalo để được nhắn tư vấn thêm về lãi suất và các khoản tiền phải trả. Chúng tôi không kết nối Zalo và lập tức liên tục bị gọi, nhắn tin để hối thúc quyết định vay hay không.

Trao đổi về vấn đề NLĐ khó khăn phải đi vay lãi suất cao, ông Nguyễn Duy Minh - Chủ tịch LĐLĐ TP.Đà Nẵng - cho biết, đến thời điểm này, LĐLĐ TP chưa chính thức nhận được một sự cầu cứu hay nhờ giúp đỡ, giải quyết nào của NLĐ liên quan đến rắc rối do vay nóng, vay nặng lãi với các đối tượng bên ngoài. Tuy nhiên, qua nắm bắt, có thể khẳng định là hoạt động này chắc chắn có, nhưng có ở mức độ nào thì rất khó để biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn