MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người lao động muốn tăng tỷ lệ hưởng lương hưu

Mạnh Cường LDO | 14/04/2023 07:14

Thay vì mong muốn giảm tuổi nghỉ hưu, nhiều công nhân lao động cho rằng nên tăng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng, hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Ông Trần Ngọc Thái (48 tuổi, Nam Định) mong muốn khi đến tuổi nghỉ hưu, lao động nam đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm sẽ nhận được tỷ lệ hưởng lương hưu tối thiểu 50%. Hiện tại ông đang làm việc trong cơ quan nhà nước, đã đóng bảo hiểm xã hội được hơn 18 năm.

Thay vì mong muốn giảm tuổi nghỉ hưu, nhiều công nhân lao động cho rằng nên tăng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng. Ảnh minh hoạ: Hà Anh Chiến. 

Trước đây, lao động nam sẽ được hưởng 45% tỷ lệ lương hưu. Tuy nhiên, tuổi nghỉ hưu lúc đó tối đa là 60. Nếu tính % tăng lên (mỗi năm 2%) theo tuổi nghỉ hưu 62 tuổi như hiện nay sẽ là 49%. "Nên lấy mốc tỷ lệ lương hưu hàng tháng đóng 20 năm bảo hiểm xã hội với lao động nam là 50% để đỡ thiệt thòi cho người lao động" - ông Thái đề xuất.

Chia sẻ thêm, ông Thái cho biết với lao động nữ sẽ rất thiệt thòi. Vì thế, ông đề xuất với các đối tượng này cũng nên tăng tối thiểu 50% khi đã đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, ông Thái nhận định với tỷ lệ hưởng lương hưu tối thiểu 50% khi đóng đủ 15 năm với nữ, 20 năm với nam sẽ hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần với những người gần đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Việc này cũng sẽ thôi thúc người lao động cố gắng đi làm đóng đủ hoặc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đến khi đủ tuổi nhận chế độ hưu trí.

Anh Phạm Ngọc Thắng (28 tuổi, Thanh Hóa) cũng mong muốn nhà nước nên tăng tỷ lệ hưởng lương hưu, đồng thời tăng cả mức tối đa được hưởng. Hiện tại, anh đã đóng bảo hiểm xã hội được hơn 3 năm.

Nhiều lao động trẻ đóng bảo hiểm xã hội từ rất sớm mong muốn tăng tỷ lệ hưởng lương hưu và mức tăng tối đa. Ảnh: Mạnh Cường.

Anh Thắng cho rằng cần dựa vào số năm tăng tỷ lệ lương hưu đối với nam và nữ hiện tại rồi so sánh với trước đây để đưa ra mức tăng phù hợp. Với những lao động nữ đủ điều kiện hưởng lương hưu từ 55 tuổi 4 tháng thì giữ nguyên 45%.

Mong muốn về mức tăng tối đa, anh Thắng hy vọng nhà nước có thể điều chỉnh lên ít nhất 80%. Bởi theo anh, rất nhiều lao động trẻ hiện nay đóng bảo hiểm xã hội từ năm 22 tuổi sau khi ra trường thậm chí từ năm 18 tuổi nếu đi làm sớm, không học đại học.

Lấy mốc 25 tuổi đóng bảo hiểm xã hội đến 45 tuổi đã đủ 45% theo quy định hiện tại. Trong khi đó, còn phải đóng thêm 17 năm nữa mới đủ tuổi nghỉ hưu, nếu tăng theo % hàng năm như bây giờ thì cũng được 79%.

"Thiết nghĩ nhà nước nên cân nhắc tăng tối đa lên 80% để đảm bảo quyền lợi cho những người đóng trên 37 năm" - anh Thắng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn