MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội VI Công đoàn Dệt may Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh: Hà Anh

Người lao động nêu ý kiến về phương án rút bảo hiểm xã hội một lần

Hà Anh LDO | 12/10/2023 16:16

Ngày 12.10, tại Đại hội Công đoàn Dệt may Việt Nam khóa VI, đại diện công đoàn ngành đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, người lao động đối với Đảng, nhà nước… trong đó tập trung vào chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đối với Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), đại diện Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, đoàn viên, người lao động có ý kiến về về chế độ ốm đau. Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội cần sửa đổi quy định theo hướng thời gian hưởng chế độ con ốm đau đối với người lao động có con từ độ tuổi dưới 10 tuổi và xem xét quy định thời gian hưởng chế độ ốm đau dựa theo loại bệnh, tình trạng bệnh, mức độ bệnh của con; bổ sung quy định thời gian hưởng chế độ khi cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ vợ (chồng) từ 70 tuổi trở lên ốm đau.

Về chế độ thai sản, đề nghị quy định tăng số lần khám thai tương ứng số tháng từ khi mang thai đến khi sinh con từ 5 đến 9 lần, mỗi lần từ 1 đến 2 ngày theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Bổ sung thêm quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản cho các trường hợp hiếm muộn phải nghỉ việc không lương dài ngày để điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền đối với lao động nữ đã có thời gian đóng BHXH 5 năm liên tục trở lên.

Về BHXH một lần, đoàn viên, người lao động có ý kiến, hiện nay Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang dự kiến 2 phương án. Một là, cho phép rút BHXH một lần (như Luật Bảo hiểm xã hội 2014); Hai là, được rút BHXH một phần, nhưng tối đa không quá 50%…

Đoàn viên, người lao động đề nghị quy định theo hướng người lao động được giải quyết chế độ xã hội một lần mà không chia thành các phương án rút thành nhiều phần như Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội dự kiến, để hạn chế việc cán bộ thực thi luật gây khó khăn cho người lao động.

Bởi với quy định “tối đa không quá 50%”, có nghĩa là số tiền được rút nằm trong khoảng từ 1% đến 50% sẽ không xác định được chủ thể nào (người lao động hay cơ quan BHXH) sẽ quyết định con số “một phần” và con số một phần đó được tính toán như thế nào.

Về điều kiện và mức hưởng lương hưu, đoàn viên, người lao động cho rằng cần xem xét lại mức hưởng lương hưu đối với lao động nam vì mức hưởng lương hưu từ đủ 15 năm của lao động nam đang bị tính giảm cơ học gây nên sự bất bình đẳng đối với lao động nam so với lao động nữ. Việc rút ngắn điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu nhưng không giảm tuổi nghỉ hưu dẫn đến khả năng người lao động ngành dệt may sẽ vẫn lựa chọn chế độ BHXH một lần mà khó có thể tiếp tục làm việc đến tuổi nghỉ hưu.

Liên quan đến vướng mắc về thẻ BHYT với người lao động nghỉ việc trên 14 ngày, đoàn viên, người lao động đề nghị BHXH cần có hướng dẫn cụ thể hồ sơ, trình tự thủ tục để người lao động nghỉ không hưởng lương đóng BHYT tránh thiệt thòi cho người lao động nếu trong thời gian này bị ốm đau cần khám chữa bệnh.

Trường hợp người lao động thừa năm đóng BHXH nhưng lại thiếu tuổi nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động, đoàn viên, người lao động đề nghị sửa đổi chính sách lớn của Luật BHXH theo hướng tính toán bù đắp (mỗi năm đóng bảo hiểm thừa tương đương với một năm thiếu tuổi) cho những trường hợp người lao động thừa năm đóng BHXH nhưng lại thiếu tuổi nghỉ hưu, để tránh thiệt thòi cho người lao động tham gia thị trường lao động sớm, phải nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn