MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Hải Nguyễn

Người lao động ngành Y chịu tác động như thế nào do dịch COVID-19?

Hà Linh - Trang Cường LDO | 19/04/2021 09:06
Kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐVN tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (thực hiện tại 124 cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, bao phủ trên 115.000 lao động trong cả nước) cho thấy trong thời gian cao điểm của đại dịch, gần 70% người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng việc làm. Cụ thể, 38,9% bị giãn việc/ nghỉ việc luân phiên; 26,4% bị ngừng việc tạm thời. Theo Tổng cục Thống kê, số người mất việc là 14%. So với các lĩnh vực khác, lao động ngành Y tế chịu tác động theo hai chiều hướng đối lập nhau.

Tác động đến điều kiện làm việc

Số ít là những cơ sở y tế, đơn vị, bộ phận, lực lượng phải trực tiếp tiếp nhận, khám sàng lọc, truy vết, trực cách ly, điều trị trực tiếp cho bệnh nhân COVID-19, khối lượng và áp lực công việc là rất lớn.

Đối với những nhóm cơ sở y tế này, do vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, vừa đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên nhiều thời điểm bị quá tải kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ lây nhiễm chéo. Nhiều cơ sở y tế đã cho y bác sĩ tăng ca làm việc để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, sàng lọc, tổ chức cách ly, giám sát, điều trị bệnh nhân nhiễm và nghi mắc COVID-19. Quá tải về thời gian làm việc, áp lực công việc căng thẳng, nguy cơ bệnh tật, bị lây nhiễm, bị kìm hãm trong không gian hẹp, phải ăn nghỉ tại bệnh viện, xa gia đình hằng tuần, stress tâm lý, hy sinh quyền lợi và nhu cầu cơ bản bản thân,… là những trải nghiệm của nhóm người lao động ngành Y này.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, phần lớn các cơ sở ngành Y có mức độ ảnh hưởng không nặng nề, thậm chí còn thấp hơn đáng kể so với các nhóm ngành khác.

Cụ thể, so với những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất như giao thông - vận tải, du lịch - dịch vụ, tỉ lệ lao động ngành Y bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 thấp hơn 2 lần (xem bảng 1). So với các nhóm ngành còn lại, tỉ lệ thấp hơn khoảng 1,5 lần. So với khối giáo dục công, tỉ lệ lao động ngành Y cũng chịu ảnh hưởng ít hơn 1,5 lần.

Việc lao động ngành Y ít bị ảnh hưởng do Covid-19 là bởi trước và trong thời gian cao điểm phòng chống dịch (giãn cách xã hội), số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm đi nhiều lần do tâm lý e ngại đến các cơ sở khám chữa bệnh.

Ngoài ra, tại thời điểm đó, hếu hết các bệnh viện truyến trung ương đều hạn chế tiếp đón và khám bệnh đối với những ca bệnh nhẹ nhằm phòng tránh lây nhiễm chéo. Các bệnh viện cho biết Bộ Y tế cũng có chỉ đạo tiến hành phân tuyến điều trị ở địa phương, cấp phát thuốc để bệnh nhân tự điều trị tại nhà. Do đó, vừa được giảm nhẹ áp lực, các cơ sở y tế vừa được duy trì công việc đều đặn, đảm bảo đủ quân số, thời lượng làm việc của người lao động.

Cụ thể, khối lượng công việc được ghi nhận giữ ổn định ở 36,2% người lao động; thậm chí giảm ở 40% người lao động. Áp lực công việc chỉ ghi nhận ở 47,5%. Thời giờ làm việc được giữ nguyên ở 60%, giảm ở 22,3% người lao động.

Lương, tình hình tài chính, đời sống của ngành y thế nào

Khi xem xét cụ thể về lương cơ bản, ta nhận thấy người lao động ngành Y tế cũng là nhóm ít bị ảnh hưởng nhất, khi chỉ có 6% bị giảm lương (tập trung chủ yếu ở những bệnh viện tư). Con số này hầu như không đáng kể so với tỉ lệ giảm chung của tất cả các ngành là gần 50% (trong đó Giao thông - vận tải là 80,4%; du lịch - dịch vụ là 77,6%; thương mại - tài chính là 54,3%; nông - lâm - thủy sản là 43,8%...).

So với lương, các khoản thưởng, phụ cấp của lao động ngành y có bị ảnh hưởng theo chiều hướng suy giảm. 50% bị cắt giảm thưởng. 34% bị cắt giảm phụ cấp/ trợ cấp. Tuy nhiên, điều này cũng là khá hơn so với lao động các ngành khác, vốn bị cắt giảm mạnh trực tiếp vào cơ hội làm việc và vào lương.

Có một câu hỏi đặt ra là: Tại sao có đến 40,8% NLĐ ngành Y tế bị ngừng/ giãn việc nhưng chỉ có 6% bị giảm lương? Lý do là bởi mặc dù cùng chịu ảnh hưởng giảm khối lượng công việc theo tình hình chung (có ít bệnh nhân đến khám, cũng như hạn chế tiếp nhận bệnh nhân) nhưng các bệnh viện vẫn luôn phải duy trì đội ngũ “trực chiến”, bởi y tế thuộc lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch.

Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất là bởi nguồn tài chính tích lũy của các bệnh viện đủ để duy trì quỹ lương tạm thời ổn định trong thời gian dịch Covid-19 trong năm 2020.

Khi xem xét ảnh hưởng đến tình hình tài chính của gia đình, kết quả cho thấy nhóm lao động ngành Y tế cũng là nhóm ít chịu ảnh hưởng nhất so với các nhóm khác. Trong khi lao động ngành Giao thông - vận tải và Du lịch - Dịch vụ có đến gần 40% phải sử dụng tiền tiết kiệm, 15% phải vay mượn tài chính thì nhóm lao động ngành Y tế chỉ là trên 22% và 5,7%.

Việc duy trì khả năng chi tiêu của gia đình trong bối cảnh Covid-19 của lao động ngành Y là tốt nhất. Gần 42% cho rằng không ảnh hưởng gì và chỉ 46,5% cho rằng phải tiết kiệm.

Tác động về tâm lý ra sao

Xét về vấn đề tâm lý, trên phạm vi thế giới, các đợt bùng phát dịch làm tăng các triệu chứng lo lắng và trầm cảm ở nhân viên y tế. Ví dụ, nhân viên phục vụ chống COVID-19 cảm thấy có lỗi do thường xuyên chứng kiến cảnh bệnh nhân chết một mình, và họ cũng phải thông báo tin tức cho những người thân qua công nghệ chứ không thể gặp trực tiếp. Cảm giác có lỗi này có thể chuyển ngay lập tức hoặc cuối cùng thành lo lắng hoặc trầm cảm lâm sàng.

Mặt khác, ở nước ngoài, các đợt bùng phát dịch làm tăng khả năng nhân viên y tế sẽ từ bỏ công việc của họ. Ở một số quốc gia, 20% - 30% nhân viên y tế tỏ ra do dự về việc làm trong thời kỳ đại dịch. Lý do là để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, những điều này hầu như không được bộc lộ và trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với lao động ngành y ở Việt Nam. Ngoại trừ, sự vất vả, mệt mỏi của lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch tại một số cơ sở y tế có chỉ định.

Nhìn chung, trong bối cảnh COVID-19, Y tế là ngành đặc thù, mức độ chịu ảnh hưởng là khác nhau giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Là lực lượng ở tuyến đầu phòng chống dịch, lao động ngành Y đối diện với nhiều áp lực và rủi ro trong công việc. Tuy nhiên, với vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, với nhu cầu xã hội rất cao, các điều kiện, chế độ chăm lo, đãi ngộ cho lao động ngành Y cơ bản được đảm bảo so với các ngành khác.

Cộng với các tiến bộ y tế, đặc biệt là độ phổ rộng của chiến dịch tiêm vaccine phòng chống COVID-19, ngành Y cũng sớm thích ứng và các tác động của dịch bệnh sẽ sớm trở nên bão hòa đối với lao động ngành Y.

Do đó, từ góc độ quan hệ lao động, dịch COVID-19 khó có thể làm nảy sinh tranh chấp, xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động trong ngành Y tế ở Việt Nam như với các ngành khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn