MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Hà Anh

Người lao động nghỉ không lương có phải đóng BHXH không?

Hà Anh LDO | 07/06/2024 16:40

Ngày 7.6, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phúc Thọ tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách chuyên đề “Những điểm mới về chế độ chính sách liên quan đến người lao động và cách nhận diện, phòng tránh lừa đảo qua mạng” (buổi đối thoại).

Tham dự buổi đối thoại có gần 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Phúc Thọ.

Tham gia buổi đối thoại và trả lời các câu hỏi của đoàn viên, người lao động và bạn đọc là các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật, bảo hiểm xã hội (BHXH), phòng chống tội phạm có Tiến sĩ Nguyễn Huy Khoa - Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn; Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông, Bộ Công an; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội.

Tại buổi đối thoại, anh Nguyễn Trường Sơn (Công đoàn Trường Tiểu học Hiệp Thuận) thắc mắc, khi doanh nghiệp gặp khó khăn phải cho người lao động nghỉ không lương thì có phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động không? Và có phải báo giảm với cơ quan BHXH không?

Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội - tư vấn, khi người lao động nghỉ việc không hưởng lương thì không phải tham gia BHXH nữa. Do đó, doanh nghiệp phải báo giảm lao động với cơ quan BHXH và không phải đóng BHXH cho người lao động.

Tuy nhiên, có một vướng mắc phát sinh, đó là do nghỉ không lương, nên người lao động vẫn là người của đơn vị, doanh nghiệp vì thế sẽ không thể tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình được và dẫn tới việc là sẽ thiệt thòi quyền lợi về y tế nếu có ốm đau phải khám chữa bệnh.

Theo bà Dương Thị Minh Châu, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, thay vì cho người lao động nghỉ việc không lương thì nên làm tạm hoãn hợp đồng lao động. Như vậy, người lao động vẫn có thể tham gia mua bảo hiểm y tế hộ gia đình để đảm bảo quyền lợi khi khám chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm y tế 5 năm liên tục.

Bà Hoàng Thị Nguyệt - Chủ tịch Công đoàn Trường Trung học cơ sở Phụng Thượng - mong muốn chuyên gia tư vấn cho người lao động để họ không sập bẫy tín dụng đen.

Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu chia sẻ, thời gian qua, khi công nghệ thông tin càng phát triển thì các hình thức xuất hiện lừa đảo qua mạng ngày càng nhiều. Có số liệu thống kê, tổng số tiền thiệt hại qua các vụ lừa đảo tại Việt Nam là 16 tỉ USD trên tổng số 53 tỉ USD toàn cầu. Con số này có nhiều ý kiến phản biện trái chiều do quá lớn, nhưng phản ánh thực tế, danh sách nạn nhân của các vụ lừa đảo trên không gian mạng là rất nhiều và càng ngày càng dài. Điển hình như tại Hà Nội, tháng 4 và 5.2024, có 2 người dân bị lừa 18 tỉ đồng và 15 tỉ đồng với những chiêu trò mạo danh cơ quan pháp luật, thao túng tâm lý từng bước để người dân chuyển tiền.

“Từ đó, để nhận biết lừa đảo, người dân cần chậm lại một nhịp và hết sức tỉnh táo. Trên thực tế những biến thể lừa đảo của công nghệ cao đa dạng nhưng chung một đặc điểm là khai thác 3 điểm yếu: Lòng ham, tính hám lợi; nỗi sợ hãi và thiếu hiểu biết của con người” - chuyên gia Đào Trung Hiếu cho hay…

Tại buổi đối thoại, các chuyên gia đã tư vấn cho đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn cách phòng tránh “tín dụng đen”, các vấn đề liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, pháp luật lao động…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn