MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ khi thang máy dừng hoạt động, người lao động thuê tại toà nhà phải di chuyển vật nặng bằng cách mang vác, leo bộ. Ảnh: NVCC

Người lao động phải leo bộ 15 tầng là không chấp nhận được

Quế Chi LDO | 10/02/2022 14:44

Toà cao nhất là 15 tầng mà đi bộ lên xuống như thế thì không chấp nhận được, rất vất vả cho người lao động, trong khi đó, thời gian của người lao động rất khắt khe, làm việc tại doanh nghiệp thì phải đến đúng giờ. 

Ngày 10.2, ông Đinh Quốc Toản – Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp – chế xuất Hà Nội – cho biết như trên khi trao đổi về vụ việc thang máy của toà nhà CT1A (khu nhà ở công nhân Kim Chung, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) đang phải dừng hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của cư dân.  

Ông Toản cho biết, về vụ việc này, Công đoàn các Khu công nghiệp – chế xuất Hà Nội đã vào cuộc và làm việc với lãnh đạo Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) – đơn vị quản lý, vận hành toà nhà – để nắm bắt và đưa ra các đề xuất, kiến nghị để giải quyết nhanh chóng cho người lao động. 

Theo ông Toản, tại buổi làm việc diễn ra vào ngày 9.2, Giám đốc Xí nghiệp cho biết, ngày 24 Tết vừa qua, Sở Tài chính mới duyệt được dự toán của Xí nghiệp, trong đó có hạng mục sửa chữa thang máy, sau đó chuyển sang Sở Xây dựng. Sở Xây dựng đã có quyết định vào ngày 9.2. Bước tiếp theo là lựa chọn nhà thầu, đấu thầu rồi mới tiến hành được.  

Ông Toản đề nghị các cấp có thẩm quyền của thành phố quan tâm đến khu nhà ở công nhân Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. “Hiện nhiều toà nhà xuống cấp, rất cần được duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn cho người lao động, nhất là đối với 4 toà nhà có sử dụng thang máy, đề xuất các thang máy phải được kiểm tra, kiểm định theo quy định; đồng thời đảm bảo luôn luôn có thang máy hoạt động”- ông Toản nói.

Ông Toản có ý kiến, toà cao nhất là 15 tầng, mà người lao động phải leo bộ đi lên, đi xuống như vậy là không chấp nhận được, rất vất vả cho họ. Trong khi đó, thời gian của người lao động rất khắt khe khi tới doanh nghiệp thì phải đến đúng giờ, sau giờ làm việc vất vả thì để leo lên đến nhà rất tốn sức...  

Cư dân ở đây không còn cách nào khác là phải đi cầu thang bộ, mang vác vật nặng để đưa lên căn hộ. Ảnh: NVCC 

Ông Toản cho rằng, qua nắm bắt của ông, vướng mắc lớn nhất lớn nhất trong vụ việc này là trước đây, Xí nghiệp được giữ lại 10% tiền cho thuê dịch vụ tại tầng 1 của toà nhà để xử lý những vấn đề xảy ra tức khắc như mất nước, mất điện. Nhưng sau đó thì không còn được giữ lại nữa, nên khi có những sự cố thì Xí nghiệp chỉ biết trông chờ và đề xuất lên trên, chờ trên giải quyết, qua nhiều sở, ngành, qua nhiều khâu nên vướng mắc.

Ông Toản đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội xem xét lại cách quản lý cho phù hợp và cần có nguồn ngân sách để xử lý kịp thời những vấn đề xảy ra hàng ngày như mất điện nước, bóng điện cháy ở cầu thang bộ, thang máy hỏng hoặc cần bảo dưỡng… 

Cư dân phải gánh đồ vật nặng từ dưới lên tầng cao. Ảnh: NVCC 

Trước đó, ngày 10.1, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội ra thông báo tạm dừng hoạt động 2 thang máy nhà CT1A để chờ sửa chữa, thay thế thiết bị hỏng và kiểm định tại 2 thang máy (2 thang máy hết kiểm định ngày 15.11.2021); tạm dừng 2 thang máy nhà CT2 để chờ sửa chữa thay thế thiết bị hỏng và kiểm định lại 2 thang máy (2 tháng máy hết kiểm định ngày 15.11.2021).  

Thông báo cho biết, tất cả các thiết bị thang máy hỏng của 2 nhà CT1A, CT2 đã được đưa vào kế hoạch bảo trì 2021, 2022 đang chờ Sở Xây dựng phê duyệt, sửa chữa, thay thế và kiểm định lại thang. Thời gian dừng hoạt động các thang máy trên là 2 tháng, từ ngày 14.1 cho đến khi được sửa chữa, thay thế thiết bị hỏng và kiểm định lại.  

Công nhân sống tại toà CT1A cho biết, sau khi có thông báo này, cả 2 thang máy tại toà nhà dừng hoạt động từ ngày 17.1. Từ đó đến nay, thang máy vẫn chưa được đưa trở lại hoạt động và cư dân cũng chưa biết bao giờ thang máy hoạt động trở lại. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn