MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động kiến nghị cần xử lý nghiêm tình trạng chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Ảnh: Minh Hạnh

Người lao động quan tâm nhất đến vấn đề Bảo hiểm xã hội

Minh Hạnh LDO | 14/05/2024 12:20

Hà Nam – Tại buổi tiếp xúc chuyên đề giữa đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri là công nhân lao động, phần lớn các kiến nghị của cử tri đề nghị Quốc hội xem xét những điểm còn bất cập trong thực thi Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) hiện hành, kinh phí công đoàn và nhà gửi trẻ...

Sáng 14.5, Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam phối hợp với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc với trên 250 cử tri là đoàn viên, công nhân lao động trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

LĐLĐ tỉnh Hà Nam phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH tiếp xúc trên 250 cử tri là đoàn viên, công nhân lao động. Ảnh: Minh Hạnh

Tại buổi tiếp xúc thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, bà Trần Thị Hiền đã thông tin đến các cử tri về dự kiến các nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Đồng thời, báo cáo khái quát kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh từ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đến nay và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Thông qua buổi tiếp xúc cử tri đoàn viên, người lao động Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam mong muốn nghe những ý kiến góp ý của lao động trực tiếp để tổng hợp, hoàn thiện hành lang pháp lý hiện nay.

Theo cử tri Ngô Hải Nam – Công ty TNHH May Kim Bình, hiện tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng và chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động vẫn diễn ra. Đề nghị việc sửa Luật lần này phải khắc phục được tình trạng trên và cần phải xử lý nghiêm các chủ doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH.

Cử tri Ngô Hải Nam – Công ty TNHH May Kim Bình kiến nghị, cần phải xử lý nghiêm các chủ doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH. Ảnh: Minh Hạnh

Cử tri Trịnh Thị Bích Thảo – Công ty TNHH Dean Printing & Package kiến nghị, việc con công nhân không có hộ khẩu rất khó đăng ký học tại trường mầm non công lập. Cùng đó, các trường mầm non công lập chỉ nhận trẻ từ 16 tháng tuổi trở lên, hoạt động trong giờ hành chính, trong khi công nhân thường xuyên phải tăng ca, làm việc ngoài giờ. Lao động đề nghị cần có chính sách quan tâm hơn nữa việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo để công nhân yên tâm gửi con khi làm việc.

Cử tri Trần Văn Thanh – Công ty Cổ phần NLTT Globe cho rằng, kinh phí công đoàn là nguồn thu quan trọng để tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động. Trong bối cảnh Ngân sách Nhà nước còn khó khăn và để công đoàn chủ động, độc lập trong hoạt động, đề nghị Quốc hội tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi); đồng thời quy định chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình không đóng đoàn phí công đoàn.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam - ông Phạm Hùng Thắng tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Minh Hạnh

Nhiều ý kiến cho rằng, Luật BHXH năm 2014 đã có những quy định về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong lĩnh lực BHXH và phát huy vai trò trong cuộc sống. Đề nghị Quốc hội ban hành các quy định trong luật BHXH (sửa đổi) để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của công đoàn trong việc thực hiện các quyền, trách nhiệm để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Cử tri Trịnh Thị Bích Thảo – Công ty TNHH Dean Printing & Package kiến nghị xây nhà trẻ cho con công nhân. Ảnh: Minh Hạnh

Hiện người lao động rút BHXH một lần có nhiều lý do như lương thấp, hoàn cảnh khó khăn, chưa tin tưởng vào quyền lợi mà BHXH mang lại, sợ bị doanh nghiệp chấm dứt HĐLĐ sớm không đợi được ngày về nghỉ hưu, mức lương thấp, không đủ sống… Đề nghị Quốc hội quan tâm có các quy định và giải pháp tổng thể để bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn