MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Quế Chi

Người lao động “tình nguyện” làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập

Quế Chi LDO | 08/08/2023 21:33

Có 76,2% người lao động tham gia khảo sát “tình nguyện” làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thời gian làm thêm giờ trung bình mong muốn là 47,3 giờ/tháng.

Đó là một trong những con số được đưa ra trong khảo sát về tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 do Ban Chính sách – Pháp luật phối hợp Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện. Khảo sát này được tiến hành vào tháng 4.2023, tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình doanh nghiệp và vùng lương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, An Giang, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.

Về tình hình việc làm của người lao động, qua khảo sát cho thấy, quy mô lao động của các doanh nghiệp tham gia khảo sát giảm gần 10% trong năm 2022; có 8,9% doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc, ngừng việc.

Bên cạnh đó, 52,3% người lao động có làm thêm giờ, số ngày làm thêm giờ trung bình 1 tháng là 10,71 ngày; số giờ làm thêm trung bình 1 ngày là 1,75 giờ. Cùng với đó, có 76,2% người lao động tham gia khảo sát “tình nguyện” làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, thời gian làm thêm giờ trung bình mong muốn là 47,3 giờ/tháng.

Theo khảo sát, năm 2024, tình trạng thiếu hụt đơn hàng được dự báo là vẫn còn tiếp diễn khi có 17,2% doanh nghiệp khảo sát cho biết tình hình thiếu đơn hàng của doanh nghiệp năm 2024 sẽ tăng lên so với năm 2023; có 5,2% số doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ giảm quy mô lao động…

Bà Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết trong bối cảnh chi phí lương thực, thực phẩm tăng, lạm phát tăng…, nếu người lao động không được tăng lương thì cuộc sống sẽ gặp khó khăn. Qua khảo sát của Ban Chính sách – Pháp luật và Viện Công nhân và Công đoàn, rất đông người lao động có thu nhập không đảm bảo chi tiêu tối thiểu, cơ bản.

Bình luận về những con số làm thêm giờ của người lao động qua khảo sát, bà Lan nói: “Nhiều người lao động bày tỏ mong muốn làm thêm giờ. Chúng tôi rất buồn khi nghe người lao động nói như vậy. Sau nhiều năm làm việc, họ không có tích luỹ nào, nên ngoài làm thêm giờ, họ còn muốn tìm kiếm một công việc bên ngoài chính thức để có thu nhập”.

Khảo sát được tiến hành trong 3.000 lao động này còn cho thấy, tiền lương cơ bản hàng tháng của người lao động (làm đủ giờ công, ngày công, không bao gồm tiền làm thêm giờ) nhận được trung bình là hơn 6 triệu đồng (tăng 8,4% so với khảo sát tháng 3.2022), mức lương cơ bản này cao hơn tiền lương tối thiểu từ 37,5% đến 51,9% (tùy theo từng vùng). Còn 3,5% người lao động nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn