MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người lao động tố Đại học Duy Tân chấm dứt hợp đồng trái quy định

HỮU LONG LDO | 06/10/2020 11:09

Nhiều người lao động (NLĐ) nữ vào làm việc tại Đại học Duy Tân (TP.Đà Nẵng) buộc phải viết một bản cam kết “không mang thai” trong thời gian hợp đồng 3 năm. Trường hợp người nào mang thai thì sẽ bị nhà trường cho nghỉ việc với lý do này hoặc một lý do khác… Không chỉ phản ánh việc nhà trường chấm dứt hợp đồng trái quy định, người lao động (NLĐ) còn tố ĐH Duy Tân “giam” bằng cấp khiến họ lâm vào tình thế dở dang.

Sau thai sản là... mất việc

Chị T. T. T. Nh - nguyên giảng viên Khoa Khách sạn-Nhà hàng Quốc tế, Đại học Duy Tân - phản ánh đến Báo Lao Động về việc ĐH Duy Tân chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với chị trái quy định.

Trước khi ký hợp đồng dài hạn, người lao động buộc phải viết một tờ giấy xin việc (bỏ trống ngày, tháng, năm) để nộp cho Đại học Duy Tân (TP.Đà Nẵng).

Chị Nh cho biết, năm 2017, chị ký hợp đồng trợ giảng (hợp đồng 1 năm) với ĐH Duy Tân. Đến tháng 5.2018, chị Nh và nhà trường ký hợp đồng dài hạn 3 năm. Trước khi đặt bút ký hợp đồng trên, chị Nh được yêu cầu viết bản cam kết không mang thai trong 3 năm và viết kèm một tờ giấy xin nghỉ việc (đều bỏ trống ngày, tháng, năm)? Trong bản cam kết có thể hiện, từ ngày làm việc tại trường đến 36 tháng sau, chị Nh không được mang thai… Nếu vi phạm, chị Nh sẽ chủ động viết đơn xin nghỉ và bồi thường mọi chi phí mà nhà trường đã hỗ trợ cho cá nhân chị.

Theo chị Nh, thực chất việc cam kết “tình nguyện” không mang thai trong vòng 3 năm là cách mà nhà trường ràng buộc NLĐ nữ. Sau này, trường hợp nào lập gia đình và mang thai trong thời hạn hợp đồng đã ký sẽ bị nhà trường cho thôi việc bằng này hoặc cách khác. Trong rất nhiều cách, nhà trường có thể dựa vào tờ giấy xin nghỉ việc ban đầu (bỏ trống ngày, tháng, năm) để ban hành quyết định cho NLĐ thôi việc.

Như trường hợp chị Nh lập gia đình và sinh con vào tháng 9.2019. Đến ngày 20.4.2020 (tròn 6 tháng thai sản), chị nhận quyết định chấm dứt HĐLĐ từ phía nhà trường. Bức xúc trước cách làm thiếu tình lẫn lý của ĐH Duy Tân, chị Nh cho hay, sẽ làm đơn khiếu nại gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), LĐLĐ TP.Đà Nẵng để nhờ can thiệp, giúp đỡ.

“Tôi đang nuôi con nhỏ nên nhà trường cho tôi nghỉ việc dù lý do gì cũng không phù hợp. Hơn nữa, trong thời gian làm việc, tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm kỷ luật gì. Việc nhà trường chấm dứt hợp đồng là trái quy định. Tôi sẽ làm đơn khiếu nại để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình” - chị Nh nói.

Tương tự, anh Đ. X. Kh - nguyên giảng viên Khoa Dược, ĐH Duy Tân - nói rằng, đã nộp đơn khiếu nại Sở LĐTBXH TP.Đà Nẵng về việc nhà trường chấm dứt HĐLĐ trái quy định và “giam” lỏng bằng cấp của anh.

Trong đơn khiếu nại, anh Kh tố ĐH Duy Tân đang giữ bằng đại học chuyên ngành Dược và bằng chuyên khoa cấp I. Theo anh Kh, việc nhà trường giam giữ bằng cấp của NLĐ dù bất cứ lý do gì là không đúng so với quy định. Từ sự việc của mình, anh Kh mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh, bảo vệ quyền lợi NLĐ đã và đang làm việc tại ĐH Duy Tân.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.Đà Nẵng - xác nhận, sở đã tiếp nhận một phản ánh của ông Đ. X. Kh về việc ĐH Duy Tân chấm dứt HĐLĐ trái quy định và “giam” bằng gốc của NLĐ. Sau khi tiếp nhận phản ánh trên, Thanh tra Sở LĐTBXH đã chuyển đơn khiếu nại của NLĐ đến ĐH Duy Tân để giải quyết.

Bà Trần Thị Hồng Vân - Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH TP.Đà Nẵng - thông tin thêm, ĐH Duy Tân vừa qua đã có thông báo thụ lý đơn thư khiếu nại của NLĐ. Trong thời gian tới, Thanh tra Sở LĐTBXH sẽ theo dõi việc giải quyết khiếu nại của ĐH Duy Tân để có hướng xử lý tiếp theo.

Trước phản ánh của Báo Lao Động về việc nhiều NLĐ tố ĐH Duy Tân cho nghỉ việc trái quy định, bà Vân hướng dẫn: Đối với trường hợp NLĐ cho rằng bị chấm dứt hợp đồng trái quy định thì cần gửi đơn khiếu nại gửi người sử dụng lao động (ĐH Duy Tân). Nếu sau này, NLĐ không đồng ý với cách giải quyết khiếu nại của ĐH Duy Tân thì có thể khiếu nại lên Sở LĐTBXH hoặc khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi. Cũng theo bà Vân, việc ĐH Duy Tân giữ bằng cấp - bản gốc (nếu có) của NLĐ với bất cứ lý do gì cũng không đúng so với quy định.

Tiếp nhận phản ánh của giảng viên, NLĐ tại ĐH Duy Tân về một số chủ trương của nhà trường gây khó khăn đối với họ, ngày 25.6, Báo Lao Động đã có văn bản gửi ĐH Duy Tân đề nghị phản hồi để rộng đường dư luận. Tuy vậy, đến nay, Báo Lao Động vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía nhà trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn