MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những công việc mang tính thời vụ luôn được nhiều lao động ngành du lịch ưu tiên chọn để "chữa cháy" chờ qua dịch. Ảnh: Huân Cao

Người lao động trong ngành du lịch bươn chải đủ nghề để mưu sinh

Huân Cao LDO | 16/06/2021 19:30

Đại dịch COVID-19 khiến cho người lao động làm việc trong ngành du lịch được xem bị ảnh hưởng khá nặng nề, dẫn đến mất việc làm. Thời gian qua, họ phải bươn chải với nhiều công việc khác để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bươn chải tìm kế sinh nhai

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng chung đến mọi tầng lớp lao động trong xã hội, tuy nhiên, người lao động làm việc trong các ngành du lịch được xem là ảnh hưởng nặng nhất. Từ chỗ có công ăn việc làm ổn định với thu nhập khá, khi dịch bệnh bùng phát, họ trở thành những người thất nghiệp và phải bươn chải với dòng đời để tìm kế sinh nhai.

Là một hướng dẫn viên chuyên đi tour quốc tế, anh Nguyễn Thanh Ngọc (ngụ quận 7, TPHCM) từng có công việc ổn định với quanh năm đi tour không hết việc. Do chuyên dẫn khách đi nước ngoài, nên anh Ngọc có cơ hội được đi hết nước này đến nước khác. Ngoài tiền lương, tiền phụ cấp theo tour, anh còn được khách tip cho khoản tiền hậu hĩnh nên mỗi tháng thu nhập không dưới 20 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi dịch bùng phát đến nay, anh Ngọc rơi vào cảnh thất nghiệp và đã tiêu hết số tiền tiết kiệm được.

Anh Thanh Ngọc hiện phụ làm tại tiệm bánh này theo ca. Ảnh: Huân Cao

"Từ khi dịch bùng phát đến nay, tour đi quốc tế đều đóng cửa, nên tôi rơi vào cảnh thất nghiệp. Những tháng đầu, tôi tiêu vào khoản tiền tiết kiệm để chờ hết dịch đi làm lại. Tuy nhiên, dịch cứ kéo dài thêm, tôi tiêu hết số tiền tiết kiệm nên xin vào làm phụ việc cho tiệm bánh để kiếm sống" - anh Ngọc ngậm ngùi kể.

Hoàn cảnh của anh Ngọc cũng là hoàn cảnh chung của nhiều lao động trong ngành du lịch. Trước làn sóng dịch bùng phát, các đơn vị lữ hành và cơ sở lưu trú phải cắt giảm nhân viên đến 80%. Những người bị cắt giảm phải chuyển sang tìm kiếm công việc khác để mưu sinh, làm những công việc trái ngành như chạy xe công nghệ, bán hàng theo thời vụ. Thậm chí, họ chấp nhận làm những công việc lao động phổ thông nặng nhọc để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống.

Doanh nghiệp chia sẻ với người lao động

Chạy xe ôm công nghệ đang được nhiều lao động trong ngành du lịch chọn "chữa cháy" lúc này. Ảnh: Huân Cao

Ông Đỗ Văn Thức - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Đất Việt (Đất Việt Tour) - cho biết, khi dịch bùng phát lại, công ty tạm ngưng mọi hoạt động kinh doanh và đóng cửa văn phòng. Điều này cũng đồng nghĩa phần lớn nhân viên của công ty phải tạm nghỉ việc, chờ đến khi nào công ty hoạt động trở lại mới đi làm.

"Chúng tôi rất chia sẻ với đội ngũ nhân viên. Nên dù tạm nghỉ, chúng tôi vẫn phải đi vay ngân hàng để chi trả lương cho anh em nhân viên. Hiện tất cả nhân viên làm việc tại công ty đều được nhận lương với mức từ 4 triệu đồng/tháng trở lên tùy vị trí. Thực ra giai đoạn này, công ty rất khó khăn, nếu mình lấy do này không trả lương cho nhân viên, thì anh em cũng đồng tình.

Tuy nhiên, đằng sau họ còn là vợ con, gia đình, nếu không có thu nhập thì họ lấy gì sống. Mặt khác, doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với nhân viên lúc này, họ mới toàn tâm gắn bó với mình lâu dài. Sau này dịch hết, công ty có thể đi vào hoạt động ngay mà không lo thiếu nhân sự, không phải mất thời gian để tuyển người" - ông Thức chia sẻ.

Công việc bán hàng cũng được lựa chọn để có thu nhập trang trải cuộc sống. Ảnh: Huân Cao

Cũng đồng hành chia sẻ với người lao động, giám đốc kinh doanh một khách sạn 5 sao ở trung tâm thành phố cho biết, gần 2 năm qua, khách sạn phải gồng mình chi trả lương cho nhân viên, trong khi doanh thu không có. Tuy nhiên, sức lực có hạn nên đến thời điểm này, khách sạn chỉ có khả năng chi trả lương cho một nửa nhân viên, một nửa nhân viên còn lại đành phải để họ rời khách sạn đi tìm công việc khác.

"Thật sự mà nói, chúng tôi cũng trăn trở rất nhiều. Nhưng sức lực giờ đã cạn mà vẫn giữ người lao động thì sợ không kham nổi. Còn trả lương tượng trưng với mức thấp quá thì các bạn không đủ sống, nên đành để các bạn đi tìm công việc khác phù hợp với thời điểm dịch và có mức thu nhập đủ sống" - vị giám đốc kinh doanh khách sạn 5 sao nói.

Báo Lao Động, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng và Công đoàn ngành Y tế chính thức phát động Chương trình "VÌ NHỮNG CHIẾN BINH ÁO TRẮNG". Chương trình mong muốn góp một phần nhỏ bé hỗ trợ, tạo thêm sức mạnh cho những người ngày đêm cống hiến, hy sinh, lăn xả quên mình vì nhân dân, vì đất nước.

Chương trình kêu gọi sự ủng hộ của tất cả cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Sự đóng góp của quý vị sẽ được chúng tôi chuyển đến hỗ trợ những y, bác sĩ, cán bộ y tế để góp phần chia sẻ khó khăn, đoàn kết chống dịch.

Mọi sự hỗ ủng hộ gửi về Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động bằng một trong các hình thức sau đây:

  1. Liên hệ trực tiếp Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động:

    Số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232756 - 024.39232748
    Hoặc các Văn phòng đại diện Báo Lao Động trên toàn quốc.

  2. Chuyển tiền qua tài khoản:

    • STK 113000000758 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK 0021000303088 tại Vietcombank, chi nhánh Hà Nội.
    • STK 12410001122556 tại BIDV, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK 1005755579 tại SHB, chi nhánh Hà Nội.
    • Số tài khoản USD 115000196228 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ chiến binh áo trắng

  3. Hỗ trợ qua Ví Momo:

    Mở Ví Momo, chọn chương trình “Mỗi ngày một nghìn”. Thực hiện theo hướng dẫn. Nội dung lời nhắn: Hỗ trợ chiến binh áo trắng.

  4. Hoặc hỗ trợ trực tuyến: bằng cách bấm vào nút ỦNG HỘ NGAY bên dưới.

.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn