MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Tình đang chờ khách đi xe ôm. Ảnh: Lương Hạnh

Người lao động tự do “lao đao” vì dịch COVID-19

Lương Hạnh LDO | 21/02/2021 12:16

Nhiều người lao động tự do làm các nghề như chạy xe ôm, bốc vác, bán hàng rong, chở hàng thuê đa phần là những người nghèo từ các tỉnh thành xa về Thủ đô Hà Nội để kiếm kế sinh nhai. Thế nhưng, dịch COVID-19 đã khiến tất cả công việc của họ đều ngưng lại và đã đẩy người lao động tự do tới hoàn cảnh khó khăn.

Gắng làm để có tiền mua thuốc chữa bệnh

Trời tối dần, xung quanh các bến xe như Mỹ Đình, Giáp Bát..., nơi tụ tập “chỗ làm ăn” của những người lao động tự do hành nghề xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ thưa thớt hẳn so với thường ngày.

Ở một góc khuất ngay bên cạnh bến xe Mỹ Đình, bà Triệu Thị Tình (SN 1961, quê tại Thanh Hóa) ngồi bệt xuống đất chờ khách. Bà Tình cũng giống như các lao động tự do từ quê lên đây thuê trọ để kiếm thu nhập chính bằng nghề xe ôm.

Gương mặt đeo kín khẩu trang nhưng đôi măt bà Tình vẫn hiện lên sự mệt mỏi và lo lắng. Bà cho biết: “Tôi làm nghề xe ôm đã được 5 năm. Hàng ngày, tôi bắt đầu công việc từ lúc 6h sáng đến khi nào hết khách thì thôi. Lúc chưa bùng dịch, thu nhập của tôi cũng được khoảng 10 đến 20 chuyến/ ngày. Sau khi dịch bùng phát, tôi chỉ lác đác được vài chuyến, nhiều nhất cũng chỉ được 10 chuyến/ ngày”.

Bà Tình đang có bệnh trong người, một tháng khoảng từ 7 – 8 triệu đồng tiền thuốc men, bệnh viện... Tuy nhiên, bà không thể dựa vào con cái vì họ cũng đang gặp nhiều khó khăn do COVID-19, nên bà đành lên Hà Nội chạy xe ôm để có thêm tiền mua thuốc chữa bệnh.

Hoàn cảnh khó khăn của bà Tình chỉ là một trong số ít các lao động tự do tại Hà Nội. Dọc tuyến đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội, không khó để bắt gặp cảnh những lao động xe ôm nằm dài trên chiếc xe máy đợi có khách gọi.

Vẫn hy vọng một tương lai tốt hơn

Những lao động tự do chạy xe ôm còn lác đác, thưa thớt thì những gánh hàng rong gần như không còn xuất hiện trên các tuyến phố tại Hà Nội. Những người cố đạp xe với những gánh hàng như ổi, táo, củ đậu… đằng sau là những người còn sót lại đang “gồng mình” kiếm kế sinh nhai trong mùa dịch COVID-19.

Chị Nguyễn Thị Lan chờ đến xế chiều mới có nổi một khách mua hàng. Ảnh: Lương Hạnh

Chị Nguyễn Thị Lan (SN 1982, quê tại Phú Thọ) đang đứng cân ổi để thanh toán cho những vị khách hiếm hoi trong ngày. Chị Lan thường đứng bán với gánh hàng của mình tại khu vực làng Phú Mỹ, phường Mỹ Đình 2. Chị bày tỏ: “Tôi nghỉ từ 29 Tết và lên mở hàng vào mùng 6 Tết. Mấy chị hay bán hàng cạnh tôi chắc vì dịch nên không ai từ quê lên. Hàng hóa ế ẩm. Đứng đây mãi mới có một khách mua hàng”.

Không chỉ những nhóm lao động tự do làm nghề xe ôm, bán hàng rong mà những lao động tự do làm nghề cửu vạn, bốc vác, chở hàng thuê từ khắp các tỉnh thành xa về Hà Nội cũng đang trong tình trạng chờ việc.

Tại khu chợ Nghĩa Tân vắng khách, hàng chục người làm nghề bốc vác thuê đã phải chuyển sang làm xe ôm hay vận chuyển hàng. Dù có chuyển nghề, nhưng tất cả những lao động tự do cũng không thể kiếm ra thu nhập vì không có người thuê họ. Tuy nhiên, những người lao động này vẫn luôn hy vọng họ sẽ cố gắng vượt qua được khó khăn trước mắt, có thể kiếm ra tiền để lo cho bản thân và gia đình dù ít hay nhiều.

Anh Trần Bình (SN 1978, quê ở Vĩnh Phúc) đang ngồi bệt tại một góc nhỏ cạnh cổng chợ. Anh nói: “Một bát phở trước kia chỉ có 20-30 ngàn đồng, bây giờ 35-40 ngàn đồng trong khi cả ngày không kiếm ra đồng nào cả thì khó khăn quá. Tôi còn đang nuôi hai đứa con ăn học ở quê. Tôi ở đây từ 7h sáng chờ việc, còn hơn là ở nhà sốt ruột mà không có thu nhập”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn