MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Ba Sương (74 tuổi, Bình Định) thường xuyên ngồi bán hàng đến 23 giờ đêm mỗi ngày trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 1, TPHCM). Ảnh: Chân Phúc

Người lao động tự do tất bật “tăng ca” để có Tết

Chân Phúc LDO | 03/01/2021 18:00

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến gần cũng là thời điểm những người lao động tự do đang ngày đêm tất bật “tăng ca”, chạy đua với thời gian để hy vọng có thêm được cân thịt, cân nếp lo cho cái Tết sắp tới.

Hơn 15 tiếng “bám” mặt đường

Gần 1 tháng này, gần như anh Nguyễn Hoàng Bắc (32 tuổi, quê Hưng Yên), hành nghề xe ôm ở TPHCM không lúc nào rời khỏi nhà sau 7 giờ sáng và về nhà trước 22 giờ đêm. Thậm chí, nhiều ngày, anh Bắc phải tận 1-2 giờ sáng mới về nhà.

“Tết đến nơi rồi, phải cố gắng thôi, còn biết bao thứ phải lo. Từ tiền sắm quần áo mới cho con, tiền chuẩn bị sắm đồ Tết đến tiền mua vé tàu xe về quê… Làm cái nghề này, thu nhập bấp bênh, lại không có thưởng cuối năm như đi làm công nhân nên phải thật cố gắng mới được” - anh Bắc chia sẻ.

Như anh Bắc, mong muốn để có một cái Tết thật tươm tất, có thêm cân nếp, cân thịt những ngày này, chị Hoàng Thị Bé (quê Quảng Ngãi) làm nghề nhặt ve chai ở TPHCM cũng phải tăng thời gian làm việc thêm 2 đến 3 giờ mỗi ngày. “Thật sự là mệt lắm, rong ruổi cả ngày ngoài đường, nắng mưa sương gió nhiều hôm về nằm ê ẩm hết cả người. Sáng hôm sau dậy không nổi nhưng nghĩ đến những thứ phải lo trong cái Tết sắp đến nên đành phải dậy, lại lao ra đường kiếm tiền” - chị Bé nói.

Theo chia sẻ của chị Bé, tính đến nay, chị rời quê vào đây cũng đã được hơn 3 năm. Hơn 3 năm cũng là thời gian chị gắn bó với cái nghề nhặt ve chai kiếm sống hằng ngày giữa lòng thành phố. Bình thường, chị rời nhà từ 7 giờ sáng và về nhà vào khoảng 6 giờ chiều. Mỗi ngày nếu may mắn, chị sẽ kiếm được khoảng 150.000-200.000 đồng.

Với số tiền ít ỏi ấy, gần như sau khi trừ đi chi phí và gửi về quê nuôi con nhỏ, chị không còn gì. Vì thế, giờ đây khi cái Tết đang đến gần, để có thêm tiền về quê ăn Tết, chị phải tăng thời gian làm việc lên mới hy vọng có Tết. “Đợt này nhiều hôm 6 giờ sáng là đã ra khỏi nhà rồi, về cũng muộn hơn vài tiếng. Đi sớm về muộn là vậy nhưng nhiều hôm thu nhập cũng không được là bao” - chị Bé chia sẻ.

Tuổi cao, sức yếu vẫn gánh hàng buôn bán

Bà Ba Sương (74 tuổi, quê Bình Định), bán hàng rong trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 1, TPHCM) sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo Bình Định. 17 năm trước, bà một mình lặn lội vào TPHCM kiếm sống.

Thời gian đầu, khi sức khỏe còn tốt, bà rong ruổi hết mọi ngõ ngách để bán hàng. Giờ đây khi tuổi cao, không còn đủ sức để đi như trước nữa, thu nhập theo đó cũng giảm đi. Theo chia sẻ của bà Ba Sương, nếu buôn may bán đắt thì kiếm được vài trăm nghìn đồng/ngày sau chi phí.

Tuổi cao, sức khỏe cũng dần yếu đi nhưng một thân một mình sống ở nơi đất khách, ngày ngày bất kể nắng mưa bà Ba Sương vẫn gánh hàng rong ra đường buôn bán. “Nay Tết cũng sắp đến rồi, tranh thủ ngày ngồi thêm vài giờ, bán khoảng tháng nữa rồi về quê sớm chơi với con, với cháu, kiếm thêm ít tiền mua quà cho cháu nội ngoại cho chúng nó vui” - bà Ba Sương tâm sự.

Ông Minh An - làm nghề sửa giày trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TPHCM) - cho rằng, để có một cái Tết gọi là tươm tất đối với những người lao động tự do, thu nhập thấp là điều không hề đơn giản.

“Bình thường, tôi ra đây ngồi làm việc từ 9 giờ sáng tới 16 giờ chiều là về. Nhưng thời gian này, nhiều hôm cũng phải tranh thủ đi sớm về muộn, kiếm thêm để có đồng ra đồng vào lo cho cuộc sống, lo cho cái Tết sắp đến. Nhưng Tết năm nay sẽ khó khăn hơn những năm trước, đơn hàng đợt này ít so với cùng thời điểm năm ngoái” - ông Minh An cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn