MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Trang sống một mình vẫn phải chi 2,5 triệu đồng/tháng tiền thuê trọ. Ảnh: Minh Hương

Người lao động ứng phó với giá tăng

Minh Hương LDO | 15/03/2022 12:00
Giá cả tăng ảnh hưởng tới tất cả đối tượng trong xã hội, nhất là người lao động thu nhập thấp càng khó khăn hơn. Đứng trước áp lực của bão giá, mỗi người  tự đưa ra kế hoạch tính toán chi tiêu phù hợp hoàn cảnh - chia sẻ chung của nhiều người lao động.

Thay đổi phương tiện di chuyển

Từ ngày 10.12.2021 đến 11.3, giá xăng đã trải qua 7 lần tăng giá liên tiếp, tiến sát 30.000 đồng một lít. Trong khi đó, giá gas hơn 300.000 đồng cũng tăng lên 502.000 đồng bình 12kg.

Chị Trần Thị Trang (26 tuổi, quê Thanh Hoá) - hiện làm Freelancer (công việc tự do), thu nhập trung bình mỗi tháng 12-15 triệu đồng. Chị Trang sống một mình, hằng tháng, chị chi 2,5 triệu đồng tiền thuê trọ. Giá gas tăng cao, chị Trang phân vân chuyển sang nấu bếp điện. Song tiền điện cũng 4.000 đồng/số, chị Trang nói “tôi không dám tính tới phương án này”.

Để tiết kiệm chi phí gas, cô gái trẻ chỉ nấu các món đơn giản như luộc, xào. Còn xăng xe đi lại, do chủ yếu làm việc ở nhà nên khi ra ngoài, chị Trang di chuyển bằng xe buýt hoặc đi bộ. “Lương của tôi ở mức cao so với nông thôn, nhưng ở thành phố tốn kém, nhất là tiền thuê nhà, ăn uống. Nếu không tiết kiệm, tôi sẽ không để dư được đồng nào” - chị Trang nói.

Còn chị Nguyễn Thu Huyền (33 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - làm nhân viên IT với mức lương 30 triệu đồng/tháng cũng chuyển từ xe máy sang xe buýt để đi làm. Từ nhà chị đến công ty khoảng 9km, nếu đi bằng xe buýt, chị phải đi bắt xe 2 chặng, sau đó đi bộ 300m để đến nơi làm.

Chặng đầu tiên chị Huyền không mất tiền vé vì chủ đầu tư không thu vé nội khu với cư dân. Giá vé xe buýt chặng thứ 2 là 7.000 đồng, mỗi ngày 2 lượt. Một tháng đi làm bằng xe buýt, chị Huyền sẽ tốn khoảng 336.000 đồng. Trong khi mỗi lần đổ xăng tốn 150.000 đồng vẫn chưa đầy bình, cứ 4-5 ngày, chị Huyền đổ xăng một lần.

Theo chị Huyền, đi xe buýt là phương án tiết kiệm nhất thời. Giá xăng tăng sẽ kéo thêm nhiều mặt hàng khác tăng theo. Mì ăn liền, sữa, dầu ăn cũng đồng loạt tăng giá từ hôm qua.

“Tất cả mặt hàng đều tăng, từ bó rau đến gói mì. Tôi không còn đặt hàng online. Tôi cũng hạn chế ăn trưa bên ngoài mà chủ động dậy sớm nấu cơm mang đi làm. Thu nhập của tôi ở mức tương đối nhưng tôi mua nhà đang còn nợ ngân hàng nên phải có phương án tiết kiệm” - chị Huyền cho biết.

Tiết kiệm không phải phương án lâu dài

Cũng từng nghĩ đến chuyện đi xe buýt thay vì đi xe máy để giảm tiền xăng xe, nhưng anh Phan Văn Nam (quận Long Biên, Hà Nội) - làm lĩnh vực xuất khẩu cho một công ty thực phẩm cho biết - anh không thể thực hiện được. Từ nhà anh đến công ty nếu muốn đi xe buýt phải đi 3 chặng, mỗi chặng 7.000 đồng, cả đi cả về tốn 42.000 đồng/ngày. Đó là chưa kể những hôm có việc đột xuất về muộn phải gọi Grab.

Thu nhập của anh Nam không ổn định, có tháng kiếm được 50 triệu đồng, tháng chưa được 20 triệu đồng. Anh Nam chia sẻ, nhiều người nói thu nhập của anh cao, nhưng anh vẫn còn khoản nợ ngân hàng và trả lãi hằng tháng 6 triệu đồng. Riêng chi phí cho 2 con học đã hơn 10 triệu đồng.

Một tuần, anh Đỗ Đình Tuấn (39 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) tốn khoảng 2,5 triệu đồng tiền xăng cho ôtô khi giá xăng tăng cao. Để bù đắp khoản chi tiêu bị đội do giá xăng, anh Tuấn cho hay, anh đã hạn chế tối đa các bữa ăn bên ngoài, quần áo cũng không mua sắm thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn