MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một dự án nhà ở xã hội đang xây dựng ở TPHCM

Người lao động vẫn khó mua nhà ở xã hội

Bảo Chương LDO | 27/04/2022 07:43
Nguồn cung nhà ở xã hội tăng là điều đáng mừng cho người lao động, tuy nhiên để có thể chạm tay vào giá bán là cả một vấn đề, bởi giá nhà hiện nay vẫn còn ở mức cao, trong khi thu nhập của công nhân lại quá thấp.

Tăng mạnh nguồn cung nhà ở xã hội 

Nguồn cung nhà ở xã hội tại TPHCM sẽ được bổ sung với việc khởi động hàng loạt dự án trong năm 2022 với số lượng lên đến hơn 11.000 căn hộ.

Cụ thể, vào ngày 25.4, tại Khu Chế xuất Linh Trung 2 (phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, TPHCM), Sở Xây dựng TPHCM và Công ty CP Đầu tư xây dựng sản xuất dịch vụ du lịch Thiên Phát (Công ty Thiên Phát) đã khởi công xây dựng một khu nhà lưu trú công nhân.

Đây là dự án thứ hai xây dựng tại khu chế xuất này với tổng 360 căn hộ, đáp ứng 1.000 chỗ ở cho người lao động. Sau 18 tháng thi công, dự án sẽ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1.000 công nhân.

Giai đoạn 1 đã được đầu tư xây dựng cách đây hơn 10 năm và đã đưa vào sử dụng hơn 350 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng hơn 1.000 công nhân. 

Theo kế hoạch, ngày 26.4, Sở Xây dựng TPHCM sẽ tiếp tục khởi công dự án nhà ở xã hội thuộc khu nhà Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh) với 242 căn. Tiếp đó, ngày 27.4 sẽ khởi công dự án chung cư nhà ở xã hội tại phường Long Trường (TP.Thủ Đức) với 726 căn.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, thực hiện theo kế hoạch của UBND TPHCM và theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 được thành phố phê duyệt, dự kiến phát triển 483.947 căn nhà, tương ứng với 50,6 triệu mét vuông sàn. Trong đó, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê là 2,5 triệu mét vuông, tương ứng 35.714 căn.

Ông Quân cho biết, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện 10 dự án nhà ở xã hội, hai nhà lưu trú công nhân, tổng quy mô 11.000 căn hộ trong năm 2022.

Trong số 12 dự án, có bốn dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp thực hiện quy mô trên 3.300 căn gồm dự án dành cho công nhân hai Khu công nghiệp Tân Bình (Tân Phú), Đông Nam (Củ Chi), Nhà ở xã hội Lê Thành (Bình Chánh) và một dự án tại xã Long Thới (Nhà Bè).

Sáu nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại với gần 6.000 căn hộ thuộc các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7 và TP.Thủ Đức.

Ngoài ra, thành phố phấn đấu phát triển thêm 3,1 triệu mét vuông sàn với hơn 56.700 căn nhà ở xã hội, nhà lưu trú, nhà ở thương mại giá thấp để giải quyết nhu cầu nhà ở cho CNLĐ đang sống trong các khu nhà trọ, người sống trên ven kênh rạch, các khu chung cư cũ phải tháo dỡ...

Người lao động chỉ “dám nhìn”

Theo thông tin từ Sở Xây dựng TPHCM, về giá trị căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội, trước giai đoạn 2019, giá thành căn hộ không vượt quá 16 triệu đồng/m2. Nhưng hiện nay giá cả đều tăng lên thì giá trị căn hộ ở mức trên 20 triệu đồng/m2 tương đương khoảng từ 1 tỉ đến 1,6 tỉ đồng/căn.

Hiện nay, người lao động chỉ có thể để dành khoảng 20-25% thu nhập (tương ứng 1,5-,1,8 triệu đồng/tháng), nếu giá cả một căn hộ mà từ 1 tỉ - 1,6 tỉ đồng thì thời gian trả sẽ kéo dài.

Trong khi đó, hiện nay quy định hỗ trợ cho vay chỉ tối đa 15 năm, số tiền vay tối đa 900 triệu đồng. Câu hỏi đặt ra là số tiền còn lại người lao động sẽ lấy từ đâu? Do đó giữa chính sách và thực tế đang có độ chênh và cần có sự điều chỉnh.

Có thể thấy, để có một khoản tiền dư mua nhà ở tại TPHCM là điều khó khăn với người lao động.

Theo ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh - việc quy định các dự án nhà ở thương mại ở đô thị loại I có quy mô từ 2ha trở lên phải bố trí 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội là thiếu tính thực tế.

Với các mảnh đất ở trung tâm thành phố, chủ đầu tư phải bồi thường mặt bằng với giá cao nhưng được khấu trừ theo đơn giá nhà nước rất thấp, doanh nghiệp phải gánh phần chênh lệch lớn, làm đội giá nhà. 

Ông Dũng đề xuất: “Nhà nước nên để doanh nghiệp chọn phương án dùng đất ở khu vực phù hợp phát triển loại nhà ở giá thấp hoặc trả bằng tiền, không phân biệt quy mô khu đất. Về dài hạn, Nhà nước cần có quỹ đất sạch quy hoạch khu vực xây nhà ở xã hội và giao cho cơ quan quản lý về kinh doanh nhà cấp tỉnh làm chủ đầu tư để rút ngắn thời gian triển khai dự án, góp phần làm giảm giá nhà”.

Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành - cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP cho phép tăng hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần đối với nhà ở xã hội nhưng việc tăng sẽ không phù hợp với quy hoạch.

Nếu Nhà nước cởi trói thủ tục và có nhiều chính sách tốt hơn, sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, giúp người có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở với giá hợp lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn