MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài chuẩn bị đón giao thừa như thế nào?

Minh Phương LDO | 11/02/2021 14:47
Sống và làm việc ở nơi đất khách quê người, nhiều năm liền không được về quê ăn Tết với gia đình, ngày 30 Tết, những người lao động ở nước ngoài tụ họp lại với nhau để chuẩn bị đón thời khắc giao thừa ý nghĩa.

Nguyễn Việt Hùng - 28 tuổi (quê ở tỉnh Quảng Trị), xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc đã 3 năm nay. Đây cũng là cái Tết thứ 3 Hùng không được về quê ăn Tết. Cảm giác một mình ở nơi xa lạ, nhất là dịp Tết đến, xuân về, Hùng cũng như bao người con xa quê không khỏi nguôi ngoai nhớ về gia đình.

Nhóm anh Hùng cắm hoa đào, hoa mai bằng nhựa để chuẩn bị đón Tết xa quê.

2 năm đầu ở Hàn Quốc, ngày 30 Tết, Hùng không có một ngày đặc biệt để đón giao thừa vì không quen biết ai. Ngày này, anh chỉ gọi điện thoại về cho gia đình để hỏi han. Nhưng năm nay ý nghĩa hơn khi anh cùng một số người bạn cùng nhau tổ chức tất niên và nấu bánh chưng.

Một góc bày biện trong căn phòng anh Hùng sinh sống.

"Ngày 30 Tết vừa ý nghĩa nhưng cũng thật buồn vì nhớ gia đình. Đối với tôi, giao thừa mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Những lo toan, bộn bề, buồn phiền hay những gì không đạt được chỉ mong qua khoảnh khắc giao thừa đều có thể xua đi và mong sang năm mới có nhiều may mắn, thành công hơn" - Việt Hùng nói.

Bánh chưng được chuẩn bị cho đêm giao thừa.

Kể nhiều hơn về cuộc sống, Hùng cho biết, trước đây anh học chuyên ngành Quản lý văn hoá tại một trường Đại học ở TP.HCM. Ra trường khó xin việc, nếu xin được việc thì thu nhập cũng không đủ để trang trải cuộc sống nên anh quyết định sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động rồi làm cho công ty chuyên sản xuất gỗ.

Anh Cao Long - lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc (quê Quảng Tri) cùng chuẩn bị cho bữa tất niên ngày 30 Tết.

Mỗi ngày Hùng làm việc khoảng 8 tiếng, dịch COVID-19 tác động nên 2 năm trở lại đây anh không còn được tăng ca nhiều như trước, thu nhập trung bình ở mức gần 40 triệu đồng/tháng.

Với anh Nguyễn Việt Hùng, những lo toan, bộn bề, buồn phiền hay những gì không đạt được chỉ mong qua khoảnh khắc giao thừa đều có thể xua đi và mong sang năm mới có nhiều may mắn hơn.

"Chi phí ở đây đắt đỏ, nếu không tăng ca thì cũng chỉ tiết kiệm được chút gửi về cho gia đình. Làm công việc bên này có sự vất vả riêng, nhất là những ngày nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, chân tay lạnh buốt vẫn phải ròng rã làm việc. Ngoài ra, thức ăn ở Hàn Quốc tôi ăn không quen nên thường sút ký, chẳng thể mập nổi" - Hùng cho biết.

Những món đồ được nhóm anh Việt Hùng chuẩn bị.

Còn anh Nguyễn Văn Bảo (20 tuổi, quê ở Quảng Bình), học xong cấp 3 thì đợi làm thủ tục sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động được 1 năm.

Thời điểm Bảo qua Hàn Quốc làm việc cũng là dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát nên công việc không được ổn định, thu nhập bấp bênh. Năm đầu tiên xa nhà, Bảo không quen nên thường xuyên mất ngủ.

Không khí chuẩn bị tất niên vui vẻ, ấm cúng của những người lao động xa quê.

Chấp nhận xa gia đình, Bảo chỉ mong có cuộc sống tốt hơn ở nơi đất khách. Năm nay là năm đầu tiên đón Tết xa gia đình, xa quê hương, Bảo cùng những người anh em trong phòng tổ chức nấu ăn, làm những món quen thuộc có trong ngày Tết của người Việt như: nem rán, bánh chưng, thịt luộc,...

Mâm cơm tất niên.

"Dịch ở Hàn Quốc đang bùng phát mạnh, chúng tôi cũng phải hạn chế tụ tập. Nhưng vì đều là những người ăn Tết xa quê, chúng tôi tổ chức bữa tiệc nhỏ trong ngày cuối năm để cùng quây quần bên nhau, vơi bớt nỗi nhớ gia đình" - Bảo cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn