MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động ở nước ngoài trang trí đón Tết. Ảnh: Minh Hương

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài nấu bánh chưng, thịt đông đón Tết

Mạnh Cường LDO | 09/02/2024 08:30

Với người lao động Việt Nam ở nước ngoài, cứ mỗi dịp đến Tết cổ truyền là bao nỗi nhớ, chạnh lòng. Họ chỉ muốn làm tăng ca đến 29 Tết hoặc quây quần bên đồng hương, đến các cửa hàng Việt Nam để vơi đi nỗi nhớ nhà.

Tự làm những món ăn quê hương

Hơn 9 năm xa nhà làm việc tại Đài Bắc Trung Hoa, anh Nguyễn Văn Giang (31 tuổi) mới về quê ăn Tết cổ truyền tại quê hương được hai lần. Mỗi dịp đón Tết nơi xứ người, anh Giang chỉ mong Tết qua thật nhanh. Vì với anh, Tết càng lâu, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ Tết cổ truyền càng da diết.

Anh Giang đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau, công việc hiện tại là đầu bếp nhà hàng. Mỗi dịp gần Tết, nam đầu bếp chỉ mong được làm đến ngày 29 để quên đi nỗi nhớ quê hương. Năm nay, anh làm đến 28 Tết, sau đó quay trở lại công việc từ mùng 5 Tết.

Với anh Giang, đón Tết không có người thân bên cạnh, chỉ nhìn nhau qua màn hình điện thoại, rất cô đơn và buồn tủi. "Với lao động xa quê như chúng tôi, Tết chỉ cần 3 ngày là đủ, không cần nhiều” - anh Giang chia sẻ.

Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, anh Giang tự đi mua cành đào về cắm, mua bóng đèn nhấp nháy về trang trí phòng. Những món ăn quen thuộc của quê hương như bánh chưng, dưa hành, thịt nấu đông, anh đều sẽ cố gắng tự làm. Ngoài ra, các cửa hàng Việt tại đây luôn là lựa chọn hàng đầu của nam đầu bếp mỗi khi cần mua sắm hay ăn uống bên ngoài.

Bánh chưng chuẩn bị cho đêm giao thừa.

Để vơi đi nỗi nhớ nhà, anh Giang đã tham gia vào hội nhóm người Việt tại khu vực đang sinh sống. Ngày mùng 1 đầu năm, những người Việt xa xứ như anh Giang tụ họp để đón Tết và tâm sự cùng nhau.

Tụ họp để nói chuyện bằng tiếng Việt, đón tết cùng nhau

Với chị Phạm Thị Phương (29 tuổi), lao động tại Hàn Quốc, Tết cổ truyền dân tộc tuy có nhớ nhà nhưng không quá cô đơn. Vì cả hai vợ chồng chị đều cùng nhau xuất khẩu lao động nên luôn có người bầu bạn hàng ngày.

“Hai vợ chồng ở bên nhau mỗi ngày nên khi Tết đến chỉ nhớ bố mẹ, quê hương, nhớ hương vị ngày Tết chứ không buồn như ở một mình” - chị Phương chia sẻ.

Theo chị Phương, Hàn Quốc cũng đón Tết Nguyên đán theo lịch âm nên chị được nghỉ Tết cùng thời gian với Việt Nam. Chỉ khác nhau múi giờ nên phải tranh thủ sắp xếp gọi điện chúc Tết người thân, bạn bè đúng thời điểm.

Thông thường, nơi hai vợ chồng chị Phương làm việc bắt đầu nghỉ Tết từ ngày 28 âm lịch. Còn lại hai ngày để sắm Tết, chị Phương vẫn cảm thấy đủ vì ở nơi xa xứ không có anh chị em, bạn bè nhiều nên việc sắm Tết cũng không cần quá phức tạp.

Hai vợ chồng chị Phương cùng nhau đón Tết nơi xứ người. Ảnh: NVCC

“Vợ chồng chúng tôi chỉ cần 1 ngày là có thể sắm hết đồ Tết, từ bánh kẹo cho đến quần áo, hoa quả, thực phẩm vì tất cả đều có sẵn ngoài siêu thị. Quất đào, bàn ghế, xe cộ hay tiền lì xì, chúng tôi không bận tâm nhiều vì ở nhà thuê, không có nhiều người thân thiết đến nhà hay đi đến nhà ai để chúc Tết” - chị Phương tâm sự.

Cũng giống anh Giang, hai vợ chồng chị Phương đã tham gia vào câu lạc bộ người Việt tại Hàn Quốc để tổ chức ăn tất niên, đón Tết dịp đầu năm. Những lúc gặp nhau, nói chuyện bằng tiếng Việt, văn hóa Tết cổ truyền lại ùa về khiến chị Phương và mọi người cảm thấy vô cùng ấm áp, hạnh phúc.

Chia sẻ về những nguyện vọng trong năm mới 2024, cả anh Giang và chị Phương đều muốn được tăng ca đều đặn. Như vậy, thu nhập hàng tháng mới dư dả để sớm tích lũy đủ, trở về quê hương.

Ngoài ra, chị Phương còn mong muốn giá vé máy bay di chuyển giữa hai nước giảm bớt, đồng thời các thủ tục nhập, xuất cảnh đơn giản hơn. Như vậy, hai vợ chồng chị sẽ cố gắng sắp xếp 2 năm về quê 1 lần để cùng đón Tết với gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn