MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phong từ Đồng Tháp lên Bình Dương mưu sinh bằng nghề đào giếng. Ảnh: Đình Trọng

Người miền Tây với cuộc mưu sinh ở Bình Dương

đình trọng LDO | 08/04/2021 08:18
Hằng năm, cứ sau mỗi dịp lễ Tết, người miền Tây lại rời quê hương ùn ùn đổ về các tỉnh, thành phố ở khu vực Đông Nam Bộ tìm kiếm việc làm. Tại Bình Dương, có hàng trăm nghìn người miền Tây làm công nhân trong các nhà máy, ngoài ra còn hàng nghìn người mưu sinh bằng công việc tự do. Đa số người lao động có đời sống vật chất còn thiếu thốn, đời sống tinh thần nghèo nàn.

Rời quê để mưu sinh

Hiện nay, tại các công ty hay công trình xây dựng khu vực TP.Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, chủ yếu là người lao động quê các tỉnh miền Tây. Đến bất kỳ công trình nào, dễ dàng bắt gặp công nhân quê các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... Tại P.Thới Hòa, thị xã Bến Cát, chúng tôi gặp ông Lê Văn Phong (54 tuổi, quê Đồng Tháp) ở một công trình đào giếng. Theo ông Phong, trước đây ở quê làm ruộng, nhưng sau này làm thua lỗ, không đủ ăn nên vợ chồng ông cùng con cái phải lên Bình Dương mưu sinh. Vợ và các con thì vào công ty làm, còn ông Phong theo anh em đi đào móng nhà, đào giếng công trình.

‘’Công việc này vất vả, không phải ai cũng làm được, đào đất nặng nhọc, xuống sâu dễ bị ngộp thở. Tôi đã gắn bó với công việc này 4 năm nay rồi, mỗi tháng thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này khá hơn làm nông nghiệp nhiều” - ông Phong nói.

Cùng làm chung còn có ông Nguyễn Văn Phương (50 tuổi, cùng quê Đồng Tháp). Ông Phương cho biết, cứ ra Tết khoảng nửa tháng là người dân ở quê đi làm ăn gần hết cả ấp. “Tôi cùng anh Phong lên Bình Dương được nửa tháng rồi, đây là công trình thứ 2. Mỗi tháng chi tiêu còn khoảng 5 triệu đồng tích lũy. Số tiền kiếm được gom góp để mua thêm một hai công đất ở quê, sau này về già có đất canh tác” - ông Phương chia sẻ.

Chỉ đủ chi tiêu

Dù lên Bình Dương mưu sinh cả chục năm nhưng rất ít người dân ở miền Tây nghĩ đến việc mua đất xây nhà. Gần như tất cả đều đi ở trọ, có phòng trọ 2 người, thậm chí có phòng 5 người ba thế hệ cùng ở. Có nhà trọ là cả một ấp nhỏ ở quê cùng lên thuê. Anh Trần Minh Tâm (31 tuổi, quê An Giang, làm nghề thợ xây) theo ba mẹ lên Bình Dương mưu sinh từ năm 12 tuổi nhưng đến nay vẫn đi ở trọ.

“Tôi ở Bình Dương 18 năm rồi, lúc còn nhỏ ba mẹ làm ở công ty, còn tôi đi bán vé số. Đến tuổi thanh niên cũng vào công ty gỗ làm công nhân. Sau này, tôi chuyển sang làm phụ hồ rồi lên thợ xây. Ba mẹ lớn tuổi nên trở về quê tiếp tục làm ruộng. Tôi lập gia đình, ở quê không có việc làm nên bám trụ lại Bình Dương” - anh Tâm cho biết.

Theo anh Tâm, dù ở Bình Dương gần 20 năm nhưng bố mẹ và bản thân chưa từng tính chuyện mua đất xây nhà để “an cư lập nghiệp”. “Trước đây, tôi ở trọ cùng ba mẹ, giờ thì ở trọ với vợ, hai con nhỏ gửi về quê. Do không có nhà ở Bình Dương nên mỗi lần về ăn Tết đều muốn ở lại dưới quê. Bây giờ giá đất tăng cao quá rồi không dám nghĩ đến chuyện mua đất xây nhà. Mỗi tháng, tôi có thu nhập 10 triệu đồng, vợ 7 triệu đồng. Chi tiêu ở đây hết phần lương của tôi, phần lương của vợ gửi về quê 4 triệu đồng, còn 3 triệu đồng tiết kiệm phòng khi ốm đau. Không có lúc nào mà dư được 50 triệu đồng. Không đủ tiền mua nhà” - anh Tâm nói.

Gia đình anh Trần Văn Lý (34 tuổi, cũng từ An Giang, làm thợ xây) cũng ở trọ nhiều năm tại TP.Thủ Dầu Một. Nhắc đến chuyện nhà cửa, anh Lý nói: “Tiền ở đâu mà mua? Tụi tôi đi làm đắp đổi qua ngày, chỉ đủ chia tiêu gia đình thôi”. Cùng làm với anh Lý có gia đình 3 thế hệ, đó là ông Sáu (64 tuổi, quê Kiên Giang). Ông Sáu đi làm công trình cùng con trai, con dâu, cháu ngoại. Cả gia đình ông ở trọ tại phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, đời sống tinh thần của đại gia đình chỉ là những lần tụ họp cuối tuần để cùng nhau ăn uống trong không gian ở trọ chật hẹp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn