MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người ngoài 70 tuổi cũng cần được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Quế Chi - Minh Hương LDO | 28/03/2023 07:39

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã đề xuất tăng mức trợ cấp hưu trí xã hội từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng/người/tháng đối với người từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Những người ngoài 70 tuổi cũng mong muốn có trợ cấp hưu trí xã hội khi tuổi già mang nhiều bệnh tật.

 Ông H (73 tuổi, quê Thanh Hoá) cho rằng, người ngoài 70 tuổi cũng cần trợ cấp hưu trí xã hội. Ảnh: Minh Hương

Ông T.Q.H (73 tuổi, quê Thanh Hoá) - từng làm công nhân lâm nghiệp, do hoàn cảnh gia đình, ông H nhận chế độ 1 lần là hơn 10kg gạo, vài chục nghìn đồng sau đó nghỉ chế độ.

Đến thời điểm hiện tại, bạn bè làm cùng thời với ông H đều nhận lương hưu 2,5-3 triệu đồng/tháng. Còn vợ chồng ông H đều sống nhờ tiền chu cấp từ con cái.

Tuổi cao sức yếu, cuối năm 2022, ông H tai biến mạch máu não phải ra bệnh viện ở Hà Nội phẫu thuật. Dù qua được cơn nguy hiểm song sức khoẻ của ông H suy giảm rõ rệt. 

"Tất cả chi phí ốm đau, thuốc men, ăn uống hằng ngày, đều từ tiền của các con chu cấp. Tôi không có bất cứ khoản nào khác, là người già không có lương hưu, tôi rất mong nhà nước giảm tuổi được hưởng trợ cấp cho những người ngoài 70 tuổi" - ông H cho hay.

Ông Đ.T – trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình – cũng là một trường hợp không có lương hưu khi về già.

Sinh năm 1957, ông T có 9 năm phục vụ trong quân đội, 7 năm làm trong công ty thương nghiệp. Năm 1991, ông T “về một cục” sau khi được hưởng 280.000 đồng (giá trị đồng tiền tại thời điểm đó).

Sau khi “về một cục”, ông T làm nông và làm các nghề tự do, như cửu vạn, phu hồ để có thêm thu nhập. Cách đây 1,2 năm, khi sức khoẻ vẫn còn tốt, ông T vẫn đi làm những công việc nặng nhọc này.

Nếu đi làm đều, mỗi tháng ông được trả 4 triệu đồng. Nếu trời mưa, đi làm ít ngày, thu nhập chỉ vỏn vẹn khoảng 1 triệu đồng.

Năm nay, ông T đã 66 tuổi, sức khoẻ suy giảm. Không có lương hưu khiến cuộc sống về già gặp nhiều khó khăn. Trang trải của vợ chồng ông trông chờ vào lương hưu của vợ.

Sắp sang tuổi 70, ông T khá lo lắng khi sức khoẻ của mình ngày càng suy giảm trong khi bản thân không có nguồn thu nhập.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung Chương III về trợ cấp hưu trí xã hội, trong đó quy định: Công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được nâng từ 360.000 đồng/người/tháng hiện hành lên 500.000 đồng/người/tháng.

Cũng tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất, đối với người đủ 60 tuổi trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội;

Nếu có nguyện vọng thì sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng trong khoảng thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Mức trợ cấp bằng 500.000 đồng/tháng.

Mức chi trả trợ cấp hưu trí xã hội hiện nay là 360.000 đồng/người. Ảnh minh hoạ: VGP. 

Trao đổi về vấn đề này, ông T bày tỏ mong muốn những trường hợp như ông khi đủ 70 tuổi cũng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội để được đảm bảo cuộc sống tối thiểu khi về già.

“Đối với những người không có thu nhập, tuổi lại cao, sức khoẻ suy giảm thì một vài trăm nghìn đồng cũng đáng quý. Ngoài hỗ trợ từ các con, số tiền trợ cấp hưu trí hàng tháng sẽ giúp họ mua thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ để đảm bảo cuộc sống khi tuổi già” – ông T nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn