MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật Lao động sửa đổi cần đảm bảo lợi ích của các bên. Ảnh: ĐT

Người sử dụng lao động và người lao động cần một tiếng nói chung

ĐẶNG TIẾN LDO | 15/05/2019 13:30

Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sửa đổi, hoàn thiện để trình Chính phủ trong tháng 5.2019. Đây là một bộ luật có phạm vi điều chỉnh lớn và ảnh hưởng sâu rộng tới môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng như quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam đối với thế giới.

Sáng 14.5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng các Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO)... tổ chức Hội thảo “Góp ý sửa đổi dự thảo Bộ Luật Lao động từ cộng đồng doanh nghiệp”.

Nhiều hạn chế cần chỉnh sửa

Theo Phó Chủ tịch VCCI - Hoàng Quang Phòng, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, ổn định quan hệ LĐ tại DN là một yếu tố quyết định sự thành công của DN. Trong nhiều năm qua, Bộ luật LĐ đã đi vào thực tiễn và là hành lang pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ và DN. Tuy nhiên, quá trình hoạt động đã bộc lộ những hạn chế cần phải chỉnh sửa để phù hợp với các hiệp định thương mại và công ước mà chúng ta đã và đang cam kết. Sự góp ý của cộng đồng DN với mong muốn những ý kiến góp ý về dự thảo về quan hệ lao động được xử lý tích cực hơn…

Dự thảo gồm 17 chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành; sửa đổi, bổ sung khoảng 170 điều trong tất cả các chương; sửa đổi 2 Điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu (Bộ luật Lao động hiện hành gồm 17 chương và 242 điều). Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động là quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Trong mối quan hệ đó, người lao động là người làm việc theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

Nhằm bảo vệ tốt hơn cho NLĐ trong quan hệ lao động thuộc khu vực phi chính thức, mở rộng diện bao phủ của Bộ luật Lao động và nhằm thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động trong bối cảnh mới (xuất hiện người lao động làm việc theo các hình thức liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ số Uber, Grab...), đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam - ông Trương Văn Cẩm - cho biết, dự thảo đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của các ngành, các hiệp hội.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, trong đó phụ thuộc lớn vào sự phát triển của kinh tế đất nước. Theo quy định, Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt trong SXKD của DN và nhu cầu của một bộ phận NLĐ mong muốn nâng giới hạn giờ làm thêm để có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên

Theo Phó Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề của Quốc hội - Bùi Sỹ Lợi, việc tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi từ NLĐ và chủ sử dụng LĐ để tạo sự đồng thuận, đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên. Vấn đề để ưu tiên cho NLĐ cố gắng khắc phục những bất cập để quyền lợi được thỏa đáng. Dự thảo đảm bảo cam kết quốc tế và không được trái với hiến pháp, theo đó sẽ thể chế hóa các nghị quyết, quan điểm của Đảng theo tinh thần NQ12, đảm bảo phù hợp với hiến pháp và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) Phan Đức Thiện cho rằng, có 4 yếu tố xác định lương tối thiểu, trong đó tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu và khả năng chi trả của DN. Đồng thời, dự thảo bổ sung những quy định về tiền lương của NLĐ, như mức hỗ trợ tiền lương ngừng việc.

Trong khu vực DN, tiền lương là giá cả cho sức lao động, hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, thang lương, bảng lương, định mức lao động, tiếp tục thể chế chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua từng bước mở rộng và tạo quyền tự chủ thực sự chủ động cho người sử dụng lao động và NLĐ trong trả lương.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân nói, việc sửa quy định cho phù hợp hơn và đáp ứng hài hoà quyền và lợi ích của NLĐ và người sử dụng lao động. Theo ông Huân, việc thêm nhiều ngày nghỉ lễ là tốt nhưng cũng có tác động đến SXKD của DN.

Trái với quan điểm của ông Huân, đại diện Hiệp hội Dệt may cho rằng không nên thay đổi quy định về thời gian nghỉ Tết Âm lịch. Vì hiện có nhiều NLĐ đi làm xa nhà, nên DN cần có kỳ nghỉ Tết thêm, thậm chí nghỉ tới hết ngày 15 tháng Giêng để NLĐ có điều kiện về quê đoàn viên cùng gia đình và qua đó sẽ có thêm động lực để làm việc.

Ngoài ra, theo ông Bùi Sỹ Lợi, bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7) chưa chắc tốt, nên cần lấy ý kiến nhân dân. Còn việc thống nhất giờ làm của các cơ quan nhà nước nên giữ như hiện nay, không nên bàn tới việc thống nhất một khung giờ làm. Đây cũng là quan điểm của đại diện các doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn