MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động mất việc, số phòng trọ trống cũng tăng lên. Ảnh: Phương Ngân

Người thuê không có, người trả nhà trọ thì nhiều

Phương Ngân LDO | 13/06/2023 07:14

Cắt giảm lao động không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động (NLĐ), mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến những chủ nhà trọ tại TP Hồ Chí Minh. Những khu trọ giờ đây không còn tiếng nói cười sau giờ tan ca, trở nên im ắng lạ thường. Nhiều căn phòng khóa cửa im lìm, bởi NLĐ rời đi khi bị cắt giảm...

Công nhân mất việc cố bám lại thành phố

“Dãy trọ giờ đìu hiu, người ta trả phòng nhiều” - bà Lê Thị Phượng (51 tuổi) nói khi nghe chúng tôi hỏi về khu trọ.

Bà Phượng trước đây làm công nhân tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân), là một trong số gần 1.200 lao động bị công ty này cắt giảm vào cuối năm 2022.

Những người làm cùng bà chuyển đi xin việc ở nơi khác, hay chuyển về quê sinh sống, còn bà vẫn bám trụ lại khu trọ trên đường An Dương Vương (Quận 8), bởi “lớn tuổi về quê không làm ra tiền...”.

Bà Phượng kể, trước đây khu trọ của bà ở rất đông công nhân, nhưng từ khi làn sóng cắt giảm lao động xảy ra, nhiều người đã trả phòng rời đi. Lí giải việc vẫn ở lại thuê trọ dù mất việc, không có thu nhập, bà Phượng cho biết, do lớn tuổi đi xin việc không được nên bà đành ở nhà lo cơm nước cho chồng.

“Tất cả mọi chi phí ăn, ở giờ chỉ trông vào đồng lương làm bảo vệ của chồng. Chồng tôi cũng đòi về quê, nhưng tôi nghĩ giờ về quê không biết làm gì ra tiền nên đành phải bám víu lại thành phố này để có đồng ra đồng vô, rồi ít bữa đi tìm việc làm thêm phụ chồng” - bà Phượng tâm sự.

Người thuê thì ít, trả lại nhà trọ thì nhiều

Từ cuối năm 2022, tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, gặp nhiều khó khăn. Hàng nghìn NLĐ bị cắt giảm, phải chuyển đi nơi khác tìm việc, thậm chí nhiều người chuyển dịch về quê sinh sống đã khiến các khu trọ trở nên vắng vẻ, đìu hiu.

Đơn cử, khu trọ trên đường An Dương Vương (Quận 8), trước đây dãy trọ này có 120 phòng đều cho công nhân thuê kín, nay số phòng trống đã lên con số 40.

Theo ông Trần Hải (chủ trọ trên đường An Dương Vương), chưa bao giờ dãy trọ của ông lại rơi vào tình trạng trống phòng như vậy. Xung quanh trọ của ông có gần 20 công ty sản xuất, nên lượng công nhân đổ về đây thuê trọ rất đông, tuy nhiên, khi tình hình sản xuất gặp khó khăn, các công ty cắt giảm nhân sự thì số phòng trọ trống cũng tăng theo.

Theo ông Hải, không chỉ chủ trọ bị ảnh hưởng, ngay cả những người buôn bán cũng bị ảnh hưởng theo. Bởi những người buôn bán nhỏ lẻ đa phần bán cho công nhân, nhưng công nhân bị ảnh hưởng công việc, thu nhập, họ bán không được cũng chuyển đi nơi khác bán.

Tương tự, tại dãy trọ của bà Trương Thị Phụng (60 tuổi), trên đường Trần Thanh Mại (quận Bình Tân) cũng rơi vào tình trạng vắng vẻ. Dãy trọ của bà Phụng có hơn 60 phòng, người thuê chủ yếu là công nhân, đa số là công nhân tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam. Từ khi công ty này cắt giảm nhân sự, số công nhân trả phòng về quê cũng tăng lên.

Bà Phụng cho biết, nếu như năm trước dãy trọ của bà chỉ trống 4 - 5 phòng thì từ Tết Nguyên đán đến nay số phòng trống đã lên hơn 20 phòng.

“Giờ người đến hỏi thuê thì không có nhưng người trả thì nhiều. Tình trạng sản xuất thế này thì trong thời gian tới chắc công nhân trả phòng trọ sẽ còn tăng lên nữa. Công nhân trả phòng nhiều thì chủ trọ cũng gặp khó khăn, không đủ tiền để trả tiền vay ngân hàng” - bà Phụng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn