MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bằng số tiền lương làm công nhân, chị Bình hy vọng tích lũy để đủ tiền đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Ảnh: Lương Hạnh

Người trẻ chọn làm công nhân, tích lũy để chuyển hướng

LƯƠNG HẠNH LDO | 21/10/2022 06:00
Yêu cầu tuyển dụng không khắt khe, không cần bằng cấp, tiền lương nhận đều hằng tháng… là một số lý do khiến các bạn trẻ lựa chọn đi làm công nhân thay vì tiếp tục đi học hoặc làm ruộng như bố mẹ. Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp tạm thời để họ tích lũy vốn kinh doanh hoặc kinh phí để chuyển hướng đi mới.

Không có nhiều lựa chọn

Tốt nghiệp cấp 3, chị Nguyễn Thị Thương (SN 2001, quê Ba Vì, Hà Nội) làm công nhân thời vụ tại KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) được 3 tháng. Sau đó, chị được chị gái giới thiệu vào làm cùng công ty tại KCN Thụy Vân (Việt Trì, Phú Thọ). Chị Thương nhận lương cơ bản 4,2 triệu đồng/tháng, thêm phụ cấp, chị nhận được 4,6 triệu đồng/tháng. 

Chị Thương là con gái thứ 3 trong gia đình 4 chị em, 2 chị gái đầu đã có gia đình riêng, còn em trai út của chị sinh năm 2007. Không chỉ vậy, mẹ chị Thương mắc căn bệnh hiểm nghèo, không thể đi làm. Với mức lương vẻn vẹn vài triệu đồng/tháng, chị Thương đã phải tằn tiện để vừa chi tiêu cá nhân, vừa gửi tiền về hỗ trợ bố mẹ nuôi em trai. 

“Tôi ở hoàn cảnh không thể làm khác được. Đi học lên nữa thì không có tiền còn làm thì có tiền phụ giúp bố mẹ và lo cho các em. Cách duy nhất là đi làm công nhân”, nữ công nhân tâm sự.

Giống chị Thương, chị Cao Thị Tuyết Nhung, (SN 2001, quê ở Phú Thọ) cũng lựa chọn đi làm công nhân. Học xong cấp 3, chị xin vào một công ty tại KCN Thụy Vân. Bắt đầu làm việc ở môi trường mới, chị Nhung gặp không ít vướng mắc vì chưa quen việc. Dần dà, chị đã học được cách “sinh tồn” trong nhà máy.

“Trước kia vì tính nhút nhát, nên tôi không dám hỏi hay trò chuyện với mọi người trong công ty, khi quen rồi thì mọi thứ đều dễ dàng, đi làm cũng nhẹ nhàng hơn...”, chị Nhung tâm sự. 

Tích lũy để chuyển hướng

Nói về nguyên nhân đi làm công nhân mà không đi học tiếp, chị Nhung cho hay, ước muốn của chị là đi làm công ty vài năm, sau đó có số vốn sẽ đi học nghề rồi mở một tiệm làm đẹp. 

“Bố mẹ cũng khuyên tôi nên đi học để sau có nghề nuôi sống bản thân. Nhưng trên tôi còn một anh trai đau ốm, gia đình làm ruộng nên thu nhập không có gì ngoài ruộng lúa, vài chục con gà. Tôi đi làm sẽ giúp đỡ cho gia đình rất nhiều”, chị Nhung tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Bình (SN 2002, quê ở Nghệ An) học xong cấp 2 thì vào TPHCM. Làm nhiều nghề nhưng không có mức lương ổn định, không có chế độ bảo hiểm, chị Thúy quyết định nộp hồ sơ đi làm công nhân. Tăng ca nhiều nhưng lương chỉ dao động ở mức 4,5 - 5,5 triệu đồng/tháng, chị Bình ra Hà Nội xin làm công nhân tại KCN Thăng Long. 

“Tôi mong muốn có cuộc sống tốt hơn nên đã quyết định học tiếng để sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động. Tôi tính toán số tiền học tiếng và chi tiêu lúc đầu khi mới sang cần khoảng gần 200 triệu đồng. Với mức lương hiện tại tôi cần phải tiếp tục làm công nhân ít nhất 3 năm nữa”, chị Bình chia sẻ.

Trong những căn phòng trọ ở các khu công nghiệp, không thiếu những công nhân chỉ mới mười tám, đôi mươi như chị Thương, chị Nhung, chị Bình... Ước mơ, hoài bão của họ gói ghém vào 3 ca làm việc trong nhà máy, trông chờ những đồng lương được trả cố định hàng tháng. Nguyện vọng cuối cùng và duy nhất của họ chỉ là cuộc sống khấm khá hơn, có thể lo cho gia đình trước khi mong mỏi điều gì đó cho chính bản thân họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn