MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Đỗ Thị Trang - từng làm công nhân trong thời gian hơn 3 năm. Hiện Trang đang học ngoại ngữ để xuất khẩu lao động sang Nhật. Ảnh: M.Phương

Người trẻ làm công nhân: Giải pháp tạm thời, chờ cơ hội để chuyển hướng

Phạm Oanh LDO | 22/04/2021 19:00
Đi làm công nhân đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ bởi yêu cầu tuyển dụng không quá khắt khe, không đòi hỏi bằng cấp quá cao, tiền lương được nhận đều hàng tháng. Tuy nhiên, không ít người xin làm công nhân như một giải pháp tạm thời, chờ cơ hội để chuyển hướng sang học nghề.

Chị Đỗ Thị Trang (sinh năm 1998, quê ở Thanh Hoá) học xong cấp 2 thì vào tỉnh Bình Phước đi làm được vài năm. Về quê không có việc làm, thấy mọi người rủ nhau đi làm công ty, chị cũng thử nộp hồ sơ xin việc.

Sau khi nộp hồ sơ, chị Trang được tuyển vào làm cho một công ty may ở xã Thiệu Dương, TP. Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Lý do Trang chọn làm ở công ty vì gần nhà, ngoài ra, chị muốn có tiền tích luỹ để chuyển hướng sang công việc khác. Vì không có bằng cấp nên, chị Trang chỉ có thể chọn làm công nhân.

Chị Trang kể, bắt đầu làm quen với môi trường mới, chị không khỏi bỡ ngỡ, mọi thứ đều đi vào giờ giấc, kỷ luật. Tăng ca nhiều nhưng lương chỉ dao động ở mức 4,5 - 5,5 triệu đồng/tháng, chị nói: "Tôi không xác định gắn bó lâu dài với công việc này. Tôi chỉ làm ở đây một thời gian, có tiền tích cóp rồi chuyển sang học nghề".

Theo đó, sau hơn 3 năm gắn bó với công ty, rồi thử sức với lĩnh vực làm đẹp không thành công, chị quyết định nộp hồ sơ đi xuất khẩu lao động Nhật Bản.

"Tôi mong muốn có cuộc sống tốt hơn nên đã quyết định học tiếng để sang Nhật xuất khẩu lao động. Tuy nhiên vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tôi phải trì hoãn gần 1 năm, nay mới có thể đi học lại" - chị Trang cho biết.

Còn chị Trịnh Thị Hồng (sinh năm 2002, quê ở Phú Thọ) cũng lựa chọn đi làm công nhân khi tuổi đời còn khá non trẻ. Học xong cấp 3, chị thi trượt đại học rồi ứng tuyển vào công ty ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội).

Chị Trịnh Thị Hồng (quê ở Phú Thọ), lựa chọn đi làm công nhân khi tuổi đời còn khá trẻ. Ảnh: M.Phương

Bắt đầu làm việc ở môi trường mới, Hồng cho biết, điều khó khăn đầu tiên là chị liên tục bị lạc đường. Chị Hồng hiện trọ ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh trong căn phòng 10m2.

Nhớ ngày đầu đi làm ở công ty, Hồng gặp không ít vướng mắc vì thiếu kỹ năng nghề cũng như kỹ năng mềm. Vì tính nhút nhát, chưa va chạm với xã hội nên chị không dám hỏi hay trò chuyện với mọi người trong công ty.

Nói về nguyên nhân đi làm công nhân mà không đi học tiếp, Hồng cho hay, ước muốn của chị là đi làm công ty vài năm đầu, sau đó có số vốn nhất định sẽ đi học nghề rồi mở một tiệm spa, nail.

"Bố mẹ cũng khuyên tôi nên đi học để sau có nghề nuôi sống bản thân. Nhưng tôi là chị cả trong gia đình, không muốn phụ thuộc bố mẹ.

Nếu tôi đi học, bố mẹ phải tiếp tục lo cho tôi chi phí ăn học. Do vậy, tôi quyết định đi làm công nhân nhằm san sẻ bớt gánh nặng với bố mẹ" - chị Hồng nói.

Anh Hoàng Văn Huy - công nhân công ty về sản xuất linh kiện điện tử (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) - chia sẻ - anh có thâm niên 12 năm làm việc ở công ty, đã chứng kiến nhiều bạn trẻ đến làm việc được một thời gian ngắn rồi nghỉ việc.

Theo anh Huy, người trẻ khó làm việc lâu dài ở công ty vì nhiều lý do. Trong đó, lý do chủ yếu vì thời gian gò bó, thu nhập không như mong muốn, hay nhiều người chỉ xem đây là giải pháp tạm thời, làm một thời gian có số vốn nhất định rồi chuyển hướng học nghề, kinh doanh hoặc làm công việc tự do.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn