MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Hà luôn chi tiêu tiết kiệm mọi khoản để gửi tiền về cho vợ con ở quê. Ảnh: Lương Hạnh

Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ từ cách sống tạm bợ của công nhân

Lương Hạnh - Bảo Hân LDO | 02/03/2023 08:45
Nhiều công nhân dù đã làm việc lâu năm, nhất là nam giới, cuộc sống của họ nơi xóm trọ vẫn rất tạm bợ. “Cơm hàng, cháo chợ”, phòng trọ đối với họ gần như chỉ là nơi “ngủ bụi” sau những giờ làm việc vất vả trong nhà máy.

“Cơm hàng, cháo chợ”

Kết thúc một ca làm việc trong nhà máy, anh Đặng Văn Hà (sinh năm 1991, quê Yên Bái) ghé vào một quán ăn hộp gần xóm trọ, lôi trong túi 30.000 đồng để trả tiền cơm tối. Chủ quán cơm đã quen mặt vị khách này bởi gần như ngày nào anh Hà cũng đến đây ăn. Không chỉ anh Hà, nhiều công nhân khác cũng coi đây như “căng tin công nhân”. Bởi khi đã mệt nhoài, quay cuồng làm việc trong nhà máy, họ chỉ ăn cho qua bữa. “Bây giờ, nếu tôi tự nấu cũng phải mất 50.000 đồng là ít. Ngoài tiền thức ăn, tiền gạo còn tiền nước mắm, dầu ăn, tiền gas… Đi làm về mệt tôi chỉ muốn ngủ nên ăn ngoài vừa nhanh, vừa rẻ” - nam công nhân đang thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh cho biết.  

Dãy trọ nơi anh Hà đang thuê gồm 7 phòng ọp ẹp, ẩm thấp và xuống cấp trầm trọng. Anh thuê một phòng có giá 800.000 đồng/tháng, tường bong tróc thành từng mảng. Dù anh Hà đã dùng giấy dán tường nhiều để che đi nhưng vẫn không xuể. Hơn 1 năm làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), anh nhận được mức thu nhập khoảng 8-9 triệu đồng/tháng. Vợ anh ở quê chỉ làm ruộng, không có thu nhập nào khác ngoài vài luống rau tự trồng.  

Vì vậy, anh Hà dành hơn nửa tiền lương để gửi về cho gia đình chi tiêu mỗi tháng. Nam công nhân nhẩm tính, một ngày anh chỉ tốn tiền ăn 1 bữa là 30.000 đồng. Ngày nào làm ca đêm, được hỗ trợ bữa ăn sáng anh đã đỡ được khoản tiền cho bữa ăn này. Trung bình mỗi tháng tốn 1 - 2 triệu đồng tiền ăn. Nếu tháng nào tăng ca thường xuyên tiền ăn giảm xuống, thu nhập tăng lên anh cũng có thêm tiền để gửi về cho vợ con. 

“Ăn bờ, ngủ bụi”  

Anh Nguyễn Văn Thắng (thuê trọ xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng sống một mình như anh Hà.  

Chưa lập gia đình, lại mới lên làm công nhân, cuộc sống xa nhà của anh Thắng rất tạm bợ. Căn phòng trọ chỉ rộng khoảng 9m2, chật chội, bên trong không có đồ gì đáng giá. “Tôi ở một mình, ngại nấu nướng nên không mua bếp hay nồi để nấu ăn. Tôi thường đi ăn cơm bình dân ở ngoài quán cho tiện. Chỉ cần 30.000-35.000 đồng là đã có một bữa cơm, không phải đi chợ, nấu nướng, rửa bát” - nam công nhân chia sẻ.  

Theo anh Thắng, cứ nghĩ đến cảnh đi làm về mệt mỏi, phải đi chợ, rồi lụi hụi nấu nướng cho một mình mình ăn, sau đó còn phải rửa bát, anh đã thấy ngại. Hơn nữa, trong phòng không có tủ lạnh nên anh không thể trữ đồ ăn lâu. 

Sau những giờ làm việc mệt mỏi trong nhà máy, cuộc sống của nam thanh niên này khá buồn tẻ: Hầu hết thời gian rảnh, anh thường ngủ vùi trong phòng trọ để lấy lại sức. Thi thoảng, anh rủ bạn đi uống vài cốc bia ở các hàng quán gần đó.  

Nhiều lúc nam công nhân này rất thèm được ăn một bữa cơm gia đình với những món ăn dân dã tự nấu như ở quê anh hay được dùng, nhưng nghĩ đến cảnh phải mất thời gian chuẩn bị, nấu nướng, anh lại… thôi.  

“Có lẽ sau này, khi lấy vợ thì tôi mới được ăn cơm nhà nấu, lúc đó cuộc sống không còn tạm bợ như hiện nay. Tôi cũng mong có nhà cửa đàng hoàng như nhiều gia đình khác để cuộc sống ổn định hơn, nhưng với thu nhập như hiện nay, đó chỉ là giấc mơ” - anh Thắng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn