MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản xuất trong khu công nghiệp ở Bắc Ninh. Ảnh: PV

Nguy cơ bùng dịch trở lại trong các KCN, Bắc Ninh ứng phó thế nào?

Trần Tuấn LDO | 02/11/2021 07:00
Sau khoảng 4 tháng không có ca nhiễm trong các KCN, Bắc Ninh đang đối diện nguy cơ bùng dịch khi phát hiện ca nhiễm mới tại nhiều doanh nghiệp. Tuy vậy, tỉ lệ công nhân tiêm 2 mũi vaccine lên đến 80% là cơ sở để địa phương sớm kiểm soát, ngăn chặn dịch lây lan trong nhà máy, KCN...

Dịch tấn công trở lại Khu công nghiệp

Bắc Ninh từng là tâm dịch lớn nhất cả nước trong đợt dịch lần thứ 4, kéo dài từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 7.2021, do bùng phát dịch trong các khu công nghiệp. Sau đó, tình hình dịch tại địa phương này đã được kiểm soát tốt. Có thời điểm, 3 - 4 tuần, tỉnh không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng và nhiều tháng không có ca nhiễm trong nhà máy, KCN.

Tuy vậy, trong tháng 10, tình hình dịch căng thẳng trở lại tại Bắc Ninh. Theo Sở Y tế Bắc Ninh, từ đầu tháng 10 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 21 ổ dịch và 5 chùm ca bệnh, trong đó từ ngày 28 đến 30.10 phát hiện chùm ca dương tính liên quan các công ty thuộc Khu Công nghiệp Quế Võ và TP.Bắc Ninh.

Bắc Ninh hiện có 1.120 doanh nghiệp trong 10 KCN tập trung và 26 cụm công nghiệp, với khoảng 450.000 công nhân. Ngày 21.10, phát hiện ca đầu tiên tại Công ty TNHH Sunway Vina - KCN Quế Võ 3, Việt Hùng, Quế Võ. Tiếp đó là chuỗi ca nhiễm tại một loạt công ty khác như công ty Goertek Vina, Công ty VS Industry, Hồng Hải thuộc KCN Quế Võ 1 và Khu G Công ty Goertek, Công ty Sunway, cụm Công nghiệp Châu Phong, Quế Võ, Công ty Brilliance...

Ngày 30.10, Bắc Ninh ghi nhận thêm ca nhiễm tại khu công nghiệp khác như Công ty TNHH KHKT Goertek Vina; Công ty TNHH VS Industry Việt Nam; Công ty TNHH Funing Precision Component...

Trước tình hình trên, đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất một số giải pháp như: Siết chặt hơn nữa công tác phòng, chống dịch, kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh; khi doanh nghiệp có ca mắc COVID-19 cần sớm bóc tách F0 ra khỏi nhà máy, tổ chức cách ly F1 tại chỗ; cơ quan chức năng giới thiệu các đơn vị đủ năng lực để thực hiện xét nghiệm cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp về địa điểm lưu trú tập trung để duy trì sản xuất; cập nhật thông tin về cấp độ dịch…

Độ phủ vaccine cho công nhân cao là cơ sở để ngăn chặn dịch

Trao đổi với Lao Động, Phó Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh - ông Mầu Quang Thắng - cho biết, hầu hết các ca nhiễm mới trong các KCN tại Bắc Ninh đều đã được tiêm vaccine COVID-19 với tỉ lệ 80% công nhân đã tiêm mũi 2 và 90% đã tiêm mũi 1, vì vậy triệu chứng ở mức độ rất nhẹ.

“Chúng tôi đang thực hiện đúng theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Doanh nghiệp nào phát sinh ca nhiễm thì “bóc tách” các ca nhiễm để điều trị, còn lại các hoạt động sản xuất vẫn như bình thường”, ông Thắng cho biết.

Ông Thắng cho biết thêm, điều lo lắng của địa phương không phải là đội ngũ công nhân, do đa phần đã được tiêm 2 mũi vaccine mà là lo sự ảnh hưởng đến gia đình của công nhân, con em của họ. Các cháu nhỏ tuổi thì chưa được tiêm vaccine. Bên cạnh đó, đội ngũ lao động mới được tuyển dụng vào doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cũng chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Về việc triển khai chống dịch trong tình hình mới, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết, với tinh thần chung sống an toàn với dịch bệnh, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó lợi thế là tiêm vaccine đạt tỉ lệ cao. Vì thế, khi phát sinh những ca mắc mới, các ngành, địa phương, doanh nghiệp đã kịp thời kích hoạt các biện pháp chống dịch với phương châm cộng đồng trách nhiệm, cộng đồng chia sẻ.

Trước nguy cơ dịch có xu hướng phức tạp hơn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh yêu cầu các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp dập dịch nhanh nhất. UBND tỉnh sớm cập nhật, ban hành các văn bản hướng dẫn mới phù hợp với tình hình, đặc thù địa bàn để các địa phương, doanh nghiệp thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Tăng cường giám sát cách ly tại nhà; ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng chưa được tiêm và khu vực nguy cơ.

“Đối với công tác chống dịch tại các doanh nghiệp, phải đánh giá cụ thể yếu tố dịch tễ, phân loại xét nghiệm theo vị trí việc làm và mức độ nguy cơ để vừa chống dịch hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Các sở, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ cho doanh nghiệp về an ninh, an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”...” - bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn