MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu nhà trọ công nhân ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Phương Kiều

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết trong khu nhà trọ công nhân

Đỗ Phương - Trần Kiều LDO | 11/09/2020 06:54
Xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) hiện là nơi có rất nhiều công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Thăng Long thuê trọ. Đa số phòng trọ của công nhân nằm xen kẽ với nhà dân, diện tích dao động từ 10-18m2 và điều kiện sống rất thiếu thốn. Chính bởi vậy, nhiều phòng trọ thường xuyên rơi vào tình trạng bí bách, ẩm thấp, nhất là mùa mưa, dễ là nơi trú ngụ, phát triển của muỗi.

Nơi ở ẩm thấp

Từ đầu năm đến nay, TP.Hà Nội đã ghi nhận 1.802 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có hai trường hợp tử vong. Chỉ tính riêng tuần qua (từ ngày 31.8 đến 6.9), thành phố Hà Nội đã ghi nhận thêm 228 trường mắc SXH. Các ca mắc phân bố rải rác ở 106 xã, phường, thị trấn và tăng 76 ca so với tuần trước đó; chủ yếu tập trung tại một số quận, huyện vùng ven.

Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, nhiều công nhân (CN) sống tại các khu trọ thuộc xã Kim Chung tỏ ra vô cùng lo lắng. Chị Lương Thị Hồng (quê ở Phú Thọ) có 2 con nhỏ với 1 bé 36 tháng, bé út mới 16 tháng, đang trọ ở thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Trước đây, chị làm CN cho Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI, nhưng từ khi sinh bé thứ 2 thì nghỉ hẳn ở nhà. Khi chúng tôi hỏi chị về tình hình dịch SXH, chị Hồng tỏ ra không biết và chưa nghe bao giờ. Nhưng chị chỉ vào chỗ chân của hai con nhỏ bị muỗi đốt chi chít và than thở: “Khu nhà trọ nơi tôi thuê khá ẩm ướt, rác thải sinh hoạt ở ngoài cổng cũng nhiều. Cứ chiều tối đến, tiếng muỗi lại kêu vo ve. Dù trời nắng hay trời mưa, muỗi cũng nhiều như nhau”.

Theo khảo sát, nhiều dãy nhà trọ đã xuống cấp vẫn được CN chọn thuê vì giá rẻ. Đó cũng là nguyên nhân khiến môi trường sống của CN không được đảm bảo. Ở gần khu trọ, nhất là những khu gần cánh đồng hay kênh nước, rác thải vứt bừa bãi, nước lênh láng ở khu vực sinh hoạt chung bởi cống thoát nước bị tắc nghẽn, bốc mùi hôi.

Cùng hoàn cảnh như chị Hồng, anh Đình Nam (quê Thanh Hoá) - CN đang thuê trọ tại thôn Bầu - cho biết, nơi anh ở trọ có rất nhiều muỗi vì đằng trước khu trọ là cánh đồng. Đặc biệt, hôm nào xóm trọ chưa đổ được rác hay chưa làm cỏ ngoài vườn được, muỗi càng nhiều hơn.

Anh Nam thuê phòng 18m2 với giá 800.000 đồng/tháng. Gia đình 3 người gồm 2 vợ chồng và cậu con trai nhỏ sống ở đây. Dịch SXH năm nào cũng nghe tin tức trên báo, đài nhưng năm nay anh lo lắng hơn vì đã có ca tử vong, trong khi nhà anh toàn con nhỏ, nhất là con út mới được 2 tháng.

Vài hôm trước, trời mưa triền miên khiến tường ẩm mốc, anh phải mua giấy về dán. Chưa kể khi trời mưa to, sân nhỏ trong khu nhà trọ bị ngập nên muỗi, côn trùng rất nhiều. Mùa mưa năm ngoái, khu nhà trọ bên cạnh nơi anh ở đã có 3-4 trường hợp bị SXH.

“Nhớ lại cách đây hơn một tháng, con thứ hai nhà tôi mới nửa tháng tuổi. Thời điểm đó, mưa kéo dài cả tuần khiến mắt của bé bị sưng, lúc nào chảy nước. Tôi đưa bé đến viện khám mới biết được con bị đau mắt đỏ. Nguyên nhân chính là thời tiết đang nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao, trong khi môi tường vệ sinh kém nên là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển. Giá như chúng tôi không phải thuê trọ để các con có môi trường sống trong sạch, lành mạnh hơn” - anh Nam tâm sự.

Chống muỗi bằng nhiều cách

Tuy không thể sống ở nơi có điều kiện tốt nhưng anh Nam cũng như nhiều CN khác đã sử dụng nhiều biện pháp phòng, chống muỗi nhằm hạn chế dịch SXH. Anh Nam bảo, để muỗi không đốt các con, khi đi ngủ, anh luôn luôn mắc màn. Còn lúc nào con chơi, anh phải bật quạt thường xuyên. Về cách phòng, chống muỗi, anh Nam cho hay: “Quan trọng hơn là phòng trọ phải luôn dọn sạch sẽ, không để nước đọng ở bất cứ vật dụng nào. Kem chống muỗi, bình thuốc xịt côn trùng hay nhang trừ muỗi, tôi cũng từng sử dụng nhưng không yên tâm về nơi mua nên tôi ngừng hẳn vì nguy cơ độc hại. Thay vào đó, tôi dùng máy vợt muỗi vào mỗi tối”.

Áp dụng biện pháp chống muỗi dân gian

Điển hình như cách của chị Nguyễn Thị Lý - CN Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam. Chị nói, cứ vào mùa mưa hàng năm, chị sẽ dùng tỏi để đuổi muỗi.

“Theo kinh nghiệm của tôi, muỗi sẽ tránh xa khi có mùi của tỏi. Nếu thường xuyên ăn tỏi, chắc chắn muỗi sẽ không dám lại gần vì muỗi rất nhạy cảm với mùi của tỏi” - chị Lý nói.

Theo chị Lý, nếu dùng vỏ quýt phơi khô, sau đó đốt lên để mùi lan tỏa tại các góc phòng, sẽ đuổi được muỗi bỏ đi nơi khác. Mùi khói từ vỏ quýt có tác dụng diệt trừ ruồi muỗi khá hiệu quả lại có thể khử mùi trong nhà mà không tốn chi phí - chị Lý nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn