MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thực phẩm bày bán giữa đường Nguyễn Thị Diệp, phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: Phương Ngân

Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ các chợ tự phát

Phương Ngân LDO | 09/11/2022 06:00
Công nhân có thói quen mua thực phẩm tại các chợ tự phát quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất vì tiện và giá rẻ, nhưng thực phẩm tại các chợ này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Biết sai luật nhưng vẫn bán

Tại chợ Bờ Ngựa trên đường nhánh Hưng Nhơn, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM, dù con đường đang được thi công, trời mưa nước ngập đầy sình lầy nhưng nhiều người vẫn trải bạt dưới nền đất để bán cá, rau. Các xe bán thịt heo, thức ăn nấu sẵn cũng đậu ven đường. Thỉnh thoảng, người mua dừng lại để chọn những con cá nằm lăn trong trên tấm bạt, trên con đường thì sình lầy ken kín xe qua lại...

“Tôi không có tiền để thuê chỗ bán vì tiền thuê tốn khoảng 8 - 9 triệu đồng/tháng. Tôi bán mấy tháng cũng không kiếm được 8 triệu đồng, sức đâu mà thuê” - chị Vân - quê Đồng Tháp đang bán rau tại chợ Bờ Ngựa - chia sẻ.

Chỉ vào sạp rau đủ loại dền, nấm rơm, rau muống…, chị Vân khẳng định rau mình bán không hóa chất. “Đây là rau thiên nhiên, tôi đi hái ở các khu đất trống trong khu công nghiệp” - chị Vân nói.

Đường Nguyễn Thị Diệp nằm trong khu chế xuất Linh Trung II, phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức cũng là khu chợ tự phát hoạt động nhộn nhịp nhất khu vực này. Cứ đều đặn 15h mỗi ngày, những xe hàng, những tấm bạt được bày tràn ra đường cùng âm thanh của những chiếc loa và người bán chào mời xen lẫn tiếng inh ỏi còi xe. Người bán cứ thản nhiên ngồi giữa đường, còn người mua thì vô tư dừng lại, mặc cho xe cộ qua lại và bụi bẩn bay khắp nơi.

Ngồi giữa đám đông, bà Cao Thị Giang (quê Trà Vinh) đặt một chiếc bàn nhỏ bày chuối và các loại bánh ngọt. Khi được hỏi về nguồn gốc của những mặt hàng này, bà Giang nói chuối được lấy từ quê, còn bánh ngọt được “xe tải giao đến”. Theo quan sát, các loại bánh được đựng trong túi nilon buộc bằng dây thun, trong có miếng giấy nhỏ in tên cơ sở sản xuất, địa chỉ và một số thông tin cơ bản.

Rẻ, tiện lợi nhưng nhiều nguy cơ

Giờ tan ca, chị Nguyễn Thị Thu - công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân), ghé vào chợ cóc trên đường nhánh Hưng Nhơn, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (gần nơi chị ở) mua vài con cá lóc được người bán đổ đóng trên tấm bạt. Thấy chúng tôi e ngại về vấn đề vệ sinh, chị Thu liền nói: “Cá về làm rồi rửa sạch, có sao đâu”.

Giá rẻ, thuận tiện, dễ mua là suy nghĩ chung của nhiều công nhân có thu nhập thấp vì chỉ cần ghé xe lại trên đường là có thể mua được các món mình cần với giá phù hợp với thu nhập. Nhưng đa số công nhân đều không rõ nguồn gốc các mặt hàng mình mua về ăn mỗi ngày. “Tôi không biết những mặt hàng này nguồn gốc từ đâu. Nhiều lúc mua về ăn cũng lo cho sức khỏe nhưng lương thấp nên đành chấp nhận” - bà Lê Thị Đèo, công nhân tại một công ty tại TP.Thủ Đức chia sẻ.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, chợ tự phát hoạt động một phần là do ý thức của cộng đồng. Việc thấy tiện thể và rẻ rồi bất chấp mua khiến việc dẹp các chợ tự phát trở nên khó khăn. Đối với thành phố, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã tăng cường thanh tra kiểm tra những trường hợp buôn bán, phân phối thực phẩm không rõ nguồn gốc nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

“Rất khó trong việc xử phạt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi vì nhìn bằng mắt thường không thể nói mặt hàng này an toàn, mặt hàng kia không an toàn. Đôi khi những mặt hàng tươi bóng, đẹp nhất lại là những mặt hàng mất an toàn nhất, cho nên phải có kết quả kiểm nghiệm. Nhưng để có 1 kết quả kiểm nghiệm thì rất đắt tiền và mất thời gian. Trong thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm, phải niêm phong lô hàng, khi có kết quả thì lô hàng tươi sống đã hỏng không còn bán được. Nếu kết quả người bán không vi phạm thì chúng ta phải đền bù” - bà Lan nói.

Giữa năm 2022, Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM đã  thông tin về kết quả kiểm tra với gần 50% mẫu rau quả được lấy ở các chợ đầu mối Thành phố có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản chứa kim loại nặng, nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép. Sản xuất nông nghiệp tại Thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại chủ yếu từ các tỉnh hoặc nhập khẩu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn