MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia đình nữ công nhân N.T.H (quê ở huyện Thiệu Hóa) sinh sống trong căn phòng chật hẹp, rêu mốc bủa vây tại phường Quảng Đông, TP Thanh Hóa. Ảnh: Quách Du

Nguy cơ ô nhiễm, bệnh tật và mất an toàn ở nhà trọ

QUÁCH DU LDO | 12/04/2024 09:29

Sống trong những xóm trọ nghèo, phòng ở ẩm thấp và rêu mốc, các nữ công nhân ở Thanh Hóa luôn phải đối diện với nguy cơ ô nhiễm, bệnh tật và sức khỏe sinh sản.

Sống nơi ẩm mốc, trẻ dễ mắc bệnh

Theo ghi nhận tại các khu nhà trọ của công nhân (ở phường Quảng Đông, TP Thanh Hóa) nhiều gia đình công nhân phải sống trong những căn phòng trọ ẩm thấp, chật hẹp. Thậm chí có những gia đình 4 người phải sống “chen chúc” trong căn phòng hơn 10m2, với rêu mốc bủa vây xung quanh tường.

Chị N.T.H (35 tuổi, ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, vợ chồng chị đã xuống thành phố làm công nhân ở Khu công nghiệp Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa hơn 10 năm nay. Suốt quãng thời gian này, do thu nhập thấp nên gia đình phải sống trong phòng trọ giá rẻ, ẩm mốc và đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn sức khỏe.

Cũng theo chị H, do hoàn cảnh khó khăn nên các gia đình công nhân phải chấp nhận sống ở khu trọ tồi tàn và đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe rình rập.

“Hiện nay, cái lo lớn nhất của những nữ công nhân như tôi là vấn đề sức khỏe con nhỏ, bởi sống nơi ẩm thấp, rêu mốc các cháu thường phải đối mặt với các loại bệnh ngoài da, mẩn ngứa, đường hô hấp. Đơn cử như trường hợp cháu thứ 2 nhà tôi, mới hơn 1 tuổi nhưng thường xuyên phải đi thăm khám do ốm sốt, ho hen” - chị H cho hay.

Chung tình cảnh như chị H, chị L.T.T, (quê ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cho hay, cuộc sống công nhân, nhất là các nữ công nhân thuê trọ phải trải qua nhiều bộn bề, lo âu…

“Do điều kiện không cho phép, đành chấp nhận sống cảnh ở trọ, với hy vọng cố gắng làm lụng, tích cóp sau này may mắn mua được căn hộ giá rẻ, thoát cảnh sống khổ sở nơi xóm trọ nghèo trong nhiều năm” - chị T cho hay.

Theo nhiều chủ nhà trọ ở quanh khu vực Khu công nghiệp Lễ Môn, TP Thanh Hóa, chứng kiến cảnh công nhân ở trong các phòng trọ nhỏ hẹp cũng rất thương, tuy nhiên các chủ trọ cũng chỉ có thể hỗ trợ giảm chút ít tiền thuê phòng. Còn việc đầu tư xây dựng, cải trang lại khu trọ to đẹp hơn thì không thể, bởi chính các chủ nhà trọ cũng không có đủ điều kiện để thực hiện việc này.

Đảm bảo an toàn nơi trọ

Các cấp Công đoàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động, việc làm thiết thực hướng tới người lao động. Trong đó, vấn đề an toàn, an ninh nơi trọ được quan tâm đặc biệt.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa - cho biết, những năm qua, công tác chỉ đạo tổ chức xây dựng, duy trì nhân rộng các mô hình “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải” về an ninh trật tự (nhất là ở các khu trọ công nhân) được các cấp công đoàn phối hợp với Công an địa bàn và người sử dụng lao động triển khai thực hiện có hiệu quả.

Hoạt động của các mô hình trên giúp công nhân lao động cập nhật kịp thời các thông tin chính trị, thời sự, xã hội hằng ngày, đóng góp tích cực vào công tác đảm bảo an ninh trật tự tại nơi làm việc, nơi sinh sống.

Theo ông Ngô Thế Anh - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, xuất phát từ thực tế, từ những khó khăn trong đời sống công nhân, nhất là nữ công nhân thuê trọ, phải đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật, an toàn nơi trọ, đơn vị đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở thường xuyên quan tâm, thăm hỏi những trường hợp công nhân khó khăn, bệnh tật.

Cùng với đó, thành lập các câu lạc bộ “Tổ bà bầu và nuôi con nhỏ”, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về “Sức khỏe cho con và hạnh phúc gia đình” ở một số công đoàn cơ sở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn