MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm vaccine là giải pháp cấp bách để giữ chân lao động hiện nay. Ảnh minh họa: BYT

Nguy cơ thiếu hụt lao động chỉ có thể chặn bằng "phủ" vaccine COVID-19

Vũ Long LDO | 16/08/2021 16:17

Cần đẩy nhanh quy mô tiêm vaccine để chặn nguy cơ thiếu hụt lao động sau dịch bệnh COVID-19. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chỉ còn 40% nhân lực lao động.

Nhân lực lao động tại các doanh nghiệp giảm trên 60%

Việc thực hiện giãn cách xã hội đã khiến nhiều lao động rời các khu công nghiệp, rời nhà máy, phân xưởng để về quê. Tại các ngành chế biến gỗ, thủy sản, dệt may, điện tử… lượng người lao động đã sụt giảm nghiêm trọng.

Tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam, những nhà máy tổ chức sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ” năng suất hoạt động giảm mạnh, chỉ duy trì từ 50% trở xuống do thiếu hụt lực lượng nhân công.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ như đang “ngồi trên đống lửa” khi các hợp đồng đặt hàng tới tấp “bay về” Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp hiện trong tình trạng sụt giảm lao động nghiêm trọng.

Trong số 265 doanh nghiệp chế biến gỗ tại vùng trọng điểm phía Nam (gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh), hiện chỉ có 141 doanh nghiệp duy trì hoạt động với số lượng công nhân đang làm việc khoảng 30.700 công nhân trong tổng số 119.300 lao động trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Nghĩa là 3/4 số lượng công nhân trong các doanh nghiệp này đã phải nghỉ việc.

“65% số công nhân trong ngành đã phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Quy mô hoạt động của doanh nghiệp đã bị thu hẹp chỉ còn 50%, thậm chí có doanh nghiệp chỉ còn 30% do dịch bệnh quá phức tạp, công nhân xin về quê lánh dịch hết” - ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST, nói.

Không riêng gì ngành chế biến gỗ, hiện nay, hàng loạt ngành nghề tham gia chuỗi sản xuất như dệt may, thủy sản, chế biến thực phẩm, máy móc công nghiệp... đều bị sụt giảm lao động nghiêm trọng, đặc biệt là tại các "điểm nóng" về dịch bệnh COVID-19 như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Những người lao động này rời đi, để lại một khoảng thiếu hụt lao động rất lớn.

Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ để giữ lao động và ổn định sản xuất

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, làn sóng người lao động di chuyển khỏi tỉnh, thành phố lớn sẽ dẫn đến nguy cơ cao thiếu hụt lao động, khiến cho doanh nghiệp rất khó có thể phục hồi năng lực sản xuất ngay khi hết thời gian giãn cách, khi COVID-19 thuyên giảm.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) - ông Nguyễn Hoài Nam - cũng bày tỏ lo ngại: “Đứt gãy lao động là đứt gãy đáng sợ nhất”.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, trong mấy tuần qua, lao động ở các tỉnh như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Vũng Tàu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là TPHCM có tới 1,6 triệu lao động, Bình Dương có 1,2 triệu, Đồng Nai có 1 triệu lao động bị tác động lớn.

Trao đổi với PV Lao Động, đại diện một số hiệp hội, ngành hàng đều khẳng định: Chỉ có tiêm vaccine mới ngăn chặn được sự rời bỏ nhà máy của công nhân, gây nên tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động và những hệ lụy sẽ làm lan rộng dịch bệnh.

Để giữ chân lao động, ổn định sản xuất, ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân ngành gỗ, trước tiên ưu tiên 100% cho lao động vùng dịch. Chính phủ và Bộ Y tế cho phép các Hiệp hội gỗ, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vaccine tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho công nhân, kinh phí sẽ do các doanh nghiệp và hiệp hội tự chi trả. Chính phủ và Bộ Y tế hỗ trợ đàm phán, bảo quản vaccine và triển khai tiêm chủng cho người lao động.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) - cũng cho rằng, tỉ lệ tiêm vaccine thấp như hiện nay khiến người lao động không yên tâm bám trụ lại doanh nghiệp. "Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, tâm lý người lao động và gia đình không yên tâm để đi làm" - ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Chỉ có tiêm vaccine mới khiến người lao động yên tâm thực hiện 3 tại chỗ để sản xuất. Ảnh: Chánh Trung

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) - khẳng định: Phải “phủ” vaccine cho người lao động. Đây là giải pháp căn cơ để giữ chân lao động, duy trì sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn