MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ công nhân vệ sinh môi trường làm việc trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Ảnh: Phương Trang

Nguy hiểm luôn rình rập với nữ công nhân vệ sinh môi trường

Hoài Trang - Đỗ Phương LDO | 09/04/2021 09:02
Công nhân (CN) dọn vệ sinh môi trường luôn phải đối mặt với nguy hiểm, tai nạn lao động. Nỗi lo lớn nhất của họ là làm việc vào ban đêm, khi mà tính mạng bị đe doạ bởi những hiểm hoạ khôn lường.

Ám ảnh những “hung thần” trên đường

Chắc hẳn dư luận vẫn chưa quên được vụ tai nạn thương tâm trên đường Láng (Hà Nội) vào cuối tháng 4.2019, chiếc “xe điên” đã đâm trúng chị L.T.T.H (sinh năm 1977) là CN vệ sinh môi trường đang thu gom rác tại khu vực này khiến chị H tử vong tại chỗ.

Rạng sáng 6.2.2021, trên quốc lộ 1A địa bàn xóm 13, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, chiếc xe đang dừng bên đường để hai CN hốt rác lên xe thì bị xe container lao đến tông từ phía sau khiến 1 CN thiệt mạng, 1 người bị thương nặng.

Rồi mới đây tối 4.4.2021, nữ CN môi trường đang làm việc thu gom rác, khi đến khu vực trước cửa Tòa nhà Discovery Complex (302 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bất ngờ bị một nam thanh niên tấn công bằng gạch dẫn đến tử vong tại chỗ.

Những vụ tai nạn đến với CN môi trường nhẹ thì trầy xước, nặng thì gãy tay, chân, thậm chí mất mạng.

Cách đây vài tuần, chị Bùi Thúy Hương - CN một Công ty môi trường ở Hà Nội - đang đẩy xe rác di chuyển đến nơi tập kết, thì bị một người say rượu đi xe máy đâm. Va chạm khiến chị Hương bị chấn thương phải vào viện điều trị.

“Đêm nào cũng vậy, từ lúc bắt đầu đến khi làm xong việc, tôi luôn trong tình trạng lo lắng, sợ hãi các “hung thần” có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Chỉ cần nghe tiếng gầm rú bất thường là chúng tôi phải dừng quét, chạy ngay vào vỉa hè. Không ít lần tôi và đồng nghiệp bị thụt xuống cống, vấp ngã, bầm rập chân tay nhưng vẫn không đáng sợ bằng việc gặp các xe phóng nhanh” - chị Hương nói.

Tại một điểm tập kết rác trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chị Lê Thị Thu Huyền (42 tuổi) - CN Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên tâm sự, nguy hiểm không chỉ dừng lại do xe cộ gây ra, có nhiều trường hợp công nhân quét rác phải đối mặt với trộm cắp, cướp giật. Chị Huyền kể, có lần nghỉ giữa ca, chị bị kẻ xấu giật điện thoại. Mặc dù khá hoảng sợ, nhưng thân thể không sao nên chị đành tự nhủ mình phải cẩn thận hơn.

“Công việc dọn rác là làm đẹp đường phố, nhưng nhiều người lại cho rằng đây là công việc tận cùng của xã hội. Nhiều người còn vô tư buông những lời nói cay nghiệt “không vứt rác ra đường, chúng tôi không có cái để ăn; vứt rác ra đường để tạo công ăn việc làm cho công nhân vệ sinh”, câu nói đó khiến tôi nhớ mãi và chạnh lòng” - chị Huyền than thở.

Nghề chưa bao giờ dễ dàng

Về khuya, đường phố trở nên vắng bóng người, chỉ còn những CN dọn vệ sinh oằn mình làm việc giữa đêm tối.

Dù thời tiết nắng hay mưa, sớm hay muộn, CN vệ sinh môi trường vẫn thực hiện công việc quét dọn, làm sạch đường phố. Vốn phải tiếp xúc với rác thải và làm việc ngoài trời nên sức khỏe của họ không chỉ bị ảnh hưởng mà tính mạng cũng bị đe dọa.

Trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), cô Lê Hà (46 tuổi) - CN vệ sinh môi trường, gắn bó với nghề lao công gần 25 năm nay.

Với cô, nghề dọn rác là một công việc chưa bao giờ dễ dàng, thông thường, ca làm việc của cô bắt đầu từ 5 giờ chiều đến 1 giờ sáng ngày hôm sau, nhưng nhiều hôm 2-3 giờ sáng cô mới được về nhà.

Thời gian đầu mới vào nghề, cô Hà gặp không ít khó khăn, nguy hiểm khi làm việc vào ban đêm. Để hạn chế rủi ro, cô luôn phải nhìn trước ngó sau quan sát xem có người lạ hay có phương tiện giao thông phóng nhanh vượt ẩu không.

“Những hôm trời mưa to gió lớn, tôi vừa làm vừa nơm nớp lo lắng. Tôi sợ cây đổ vào người, bị sét đánh hay phương tiện giao thông nhìn không rõ đường mà lao vào mình” - cô Hà nói.

Không chỉ vậy, theo cô Hà, nhiều công nhân nữ còn bị sàm sỡ, trêu chọc, quấy rối khi làm việc vào ban đêm.

Ông Phạm Văn Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội - URENCO - cho hay, công việc chính của CN vệ sinh môi trường là thu gom rác thải sinh hoạt từ các hộ dân, hộ kinh doanh, rác thải phát sinh trên đường phố. Đặc điểm công việc của họ là làm thủ công, ngoài đường phố và chủ yếu vào buổi đêm nên dễ gặp nguy hiểm, nguy cơ bị tai nạn do các phương tiện giao thông gây ra và bị hành hung ở ngoài đường là rất lớn.

Để hạn chế rủi ro, công ty đã nghiên cứu cải tiến mẫu quần áo bảo hộ lao động, may thêm dải phản quang vào quần để người tham gia giao thông có thể phát hiện ra công nhân đang làm việc trên đường; mua bảo hiểm tai nạn 24/24h cho NLĐ.

Áo phản quang giúp các phương tiện dễ nhận ra công nhân đang làm việc trên đường để né, tránh nhằm giảm thiểu tai nạn. Ngoài ra CN vệ sinh cũng được trang bị khẩu trang, ủng chuyên dụng… Tuy nhiên, tai nạn vẫn rình rập và có thể xảy ra với họ bất kỳ lúc nào.

Ông Đức cũng đề nghị cơ quan chức năng có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi gây tai nạn cũng như hành hung người làm công tác vệ sinh môi trường.

“Ngoài việc chủ động phòng tránh tai nạn thì cơ quan chức năng cần có chế tài thật nặng với những hành vi gây tai nạn cho CN vệ sinh và những vụ việc vô cớ hành hung, đánh đập họ” - ông Đức nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn