MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tấm bạt để ở nơi nấu ăn của công nhân đã bị cháy xém. Ảnh: Minh Hương

Nguy hiểm rình rập trong các khu nhà trọ cũ

Minh Hương - Bảo Hân LDO | 18/03/2024 14:24

Do thu nhập thấp, nhiều công nhân chọn thuê những căn phòng trọ xuống cấp, giá rẻ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, cháy nổ...

Nguy cơ cháy nổ trong các phòng trọ chật chội

Khu trọ công nhân ở gần Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đa phần xen kẽ, rải rác trong nhà dân. Với các khu trọ tự phát ở bên ngoài, có khoảng hơn 60.000 công nhân thuê trọ.

Theo ghi nhận, nhiều chủ trọ trên địa bàn thường cho thuê cả dãy liền kề hoặc phân chia theo tầng. Trước cửa phòng trọ thường treo dây để phơi quần áo hoặc đặt bếp nấu ăn. Không gian khu trọ thường chật chội, cơ sở hạ tầng xuống cấp, nguy cơ cháy nổ rất cao.

Không chỉ thuê phòng để ngủ nghỉ, nhiều gia đình công nhân thuê thêm phòng bên cạnh để chứa đồ, nấu ăn.

Chị Lê Thị Hải (quê Phú Thọ) - công nhân Công ty TNHH Panasonic Việt Nam sống cùng chồng và 2 con ở thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Gia đình 4 người sống chen chúc trong căn phòng 15m2, hơn nửa năm trước, chị Hải thuê thêm phòng bên cạnh để đựng đồ đạc, để xe máy, đặt bếp nấu ăn. Căn phòng này rộng chỉ khoảng 10m2 nhưng đồ đạc chất đống, thùng xốp, bìa carton... la liệt.

Chỗ nấu ăn, trước đây chị Hải dùng bạt để dán lên tường, từng bị lửa làm cháy xém. Sợ cháy nổ, chị Hải gỡ hẳn tấm bạt song cũng không thể yên tâm hoàn toàn. Với nữ công nhân này, cách duy nhất để phòng, chống cháy nổ là khóa van bếp gas mỗi khi sử dụng xong.

Sống ở Thủ đô 7 năm, chị Hải cho hay, đã qua nhiều nhà trọ. Dù may mắn chưa “dính” vụ hỏa hoạn nào song đa số chị sống ở nơi công tác phòng cháy chữa cháy không đảm bảo.

“Thậm chí, tôi từng ở trọ trong dãy có 16 phòng, không có một bình chữa cháy nào. Nguy cơ hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Dẫu vậy, vì hoàn cảnh kinh tế đi làm ăn xa còn thiếu thốn nên chúng tôi đành chấp nhận” - chị Hải nói.

Nhiều phòng trọ không có khu vệ sinh khép kín

Theo khảo sát của phóng viên Báo Lao Động, những khu nhà trọ xuống cấp thường được xây dựng cách đây hàng chục năm. Điểm chung của những khu nhà trọ này là lợp proximăng, mùa hè thì nóng nực, mùa đông thì ẩm thấp. Các phòng khá chật hẹp, chỉ khoảng 10m2; có phòng chỉ cần kê 1 chiếc giường đã chiếm gần hết diện tích.

Những nơi trọ này còn không có nhà vệ sinh khép kín. Người ở trọ phải dùng chung khu tắm giặt, vệ sinh. Do nhiều người sử dụng nên nhiều khi xảy ra tình trạng mất vệ sinh, nguy cơ bệnh tật rất cao.

Chính vì chất lượng kém so với những nhà trọ mới xây, nên những nhà trọ cũ luôn có giá “mềm” để thu hút công nhân. Giá mỗi phòng trọ thường rơi vào 700.000 đồng/tháng; có chỗ giá chỉ còn 500.000 đồng/tháng.

Khu nhà trọ của ông Trần Xuân Tân (tên đã thay đổi) (thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã khai thác hơn 10 năm. Khu nhà trọ có 7 phòng hiện đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.

“Sắp tới, tôi phá khu trọ để xây nhà cho con trai vì khu nhà này không còn công nhân thuê trọ nữa” - ông Tân cho hay.

Thời gian gần đây, khu nhà trọ của ông Tân chủ yếu cho những người là lao động tự do. Ông giảm dần giá xuống, từ 500.000-600.000 đồng/tháng xuống còn 300.000-400.000 đồng/tháng.

Một vấn đề khác tại các khu nhà trọ, đó là nhiều trường hợp công nhân vẫn không được sử dụng nước sạch. Anh Bùi Văn Luận (công nhân thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) hiện vẫn đang dùng nước giếng khoan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn