MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường phát biểu tại hội thảo.

Nguyên lãnh đạo Tổng LĐLĐVN tham gia góp ý Báo cáo của BCH Tổng LĐLĐVN khóa XI trình đại hội XII

Việt Lâm - Sơn Tùng LDO | 11/08/2017 13:56
Ngày 11.8, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội thảo báo cáo và xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng LĐLĐVN, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch vào Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI trình Đại hội CĐVN lần thứ XII.

Các đồng chí: Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường; Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải chủ trì Hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Nguyễn Thị Thu Hồng, Trần Văn Lý và đại diện lãnh đạo các Ban chuyên môn của Tổng LĐLĐVN.

Đặc biệt, Hội thảo đã có sự tham gia của các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng LĐLĐVN, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Phạm Thế Duyệt – nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Cù Thị Hậu – nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Đặng Ngọc Tùng – nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; các đồng chí nguyên là Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN: Nguyễn An Lương, Nguyễn Hòa Bình; các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Nguyễn Đình Thắng, Đặng Ngọc Chiến, Hoàng Minh Chúc, Đỗ Đức Ngọ, Hoàng Ngọc Thanh, Nguyễn Văn Ngàng; các giáo sư, phó giáo sư: Nguyễn Viết Vượng – nguyên Hiệu trưởng Đại học Công đoàn; Dương Văn Sao – nguyên Hiệu trưởng Đại học CĐ; Lê Vân Trình – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động...

Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, hội thảo hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng; sau hội thảo, tiểu ban văn kiện sẽ tiếp thu, bổ sung đầy đủ, đồng thời xin ý kiến rộng rãi đến các cấp công đoàn và cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động trong cả nước trước khi trình tại đại hội 12 Công đoàn Việt Nam.

Theo Chủ tịch Bùi Văn Cường, thực hiện Chỉ thị số 09/CT/TW của Ban Bí thư về lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, ngay từ cuối năm 2016, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN  đã xây dựng kế hoạch cụ thể, thành lập các tiểu ban chuẩn bị đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12, phân công rõ người rõ việc, rõ tiến độ… dự kiến Đại hội công đoàn Việt Nam lần thứ 12 sẽ được diển ra vào dịp kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.2018).

Một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu đó là chuẩn bị văn kiện trình đại hội. Tiểu ban Văn kiện Đại hội đã tập trung nghiên cứu, chuẩn bị, xây dựng đề cương tổng quát, đề cương chi tiết, biên tập dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XI trình Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Dự thảo báo cáo kỳ này có sự đổi mới cả về bố cục và nội dung sau khi nghiên cứu tham khảo, tiếp thu, vận dụng Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Báo cáo được chia làm 12 mục với 10 vấn đề trọng tâm đặt ra trong nhiệm kỳ tới, trong đó mục 1 và mục 2 là đánh giá tổng quát kết quả hoạt động công đoàn nhiệm kỳ qua; mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát nhiệm kỳ 2018-2023; 10 mục còn lại được cấu trúc theo vấn đề, mỗi vấn đề có đánh giá tình hình thực hiện trong thời gian qua, những tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2018-2023.

Phó Chủ tịch Thường Trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải (thứ hai từ trái sang) đang trao đổi với các đại biểu.

Chủ tịch Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến Báo cáo kỳ này không đặt ra Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết mà chỉ đề cập đến 5 trọng tâm cốt lõi, xác định làm cơ sở để Ban Chấp hành xây dựng Chương trình sau khi được Đại hội định hướng, thông qua.

Được biết, Dự thảo Báo cáo trình xin ý kiến các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tổng liên đoàn đã được thảo luận qua 3 Hội nghị Đoàn Chủ tịch, 3 hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, hội thảo với đại diện 3 cấp công đoàn tại 3 vùng miền cả nước. Trong đó, nhiều nội dung đặt ra trong thời gian tới nhận được sự quan tâm, đồng tình, nhưng cũng còn những băn khoăn như về công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên và người lao động; về công tác tuyên truyền vận động; về công tác đào tạo cán bộ...

Cần thể hiện những hoạt động nổi bật

Góp ý tại Hội thảo, đồng chí Phạm Thế Duyệt – nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng, trong Báo cáo cần thể hiện rõ những hoạt động chính của hoạt động Công đoàn nhằm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, NLĐ... để họ thấy được trách nhiệm của mình đối với đất nước. Ngoài ra, tổ chức CĐ cần có “tiếng nói” đối với những vấn đề “nóng” của đất nước, của xã hội như việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thói quan liêu của bộ máy hành chính. 

Đồng chí Phạm Thế Duyệt phát biểu tại hội thảo.

“Đặc biệt, trong hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLĐ trong tình hình mới, Tổng LĐLĐVN phải dự báo được tình hình đất nước, để có những hoạt động sát với thực tế xã hội, nắm bắt được đúng tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ thì công tác bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, NLĐ mới thực sự hiệu quả” – đồng chí Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh.

Đồng chí Cù Thị Hậu phát biểu tại hội thảo.

Nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Cù Thị Hậu góp ý: Bố cục của Báo cáo rõ ràng, rành mạnh 12 vấn đề qua đó dễ theo dõi, nắm bắt. Tuy nhiên, trong Báo cáo cũng cần bổ sung, tập trung đánh giá những hoạt động đã đạt được trong nhiệm kỳ XI và phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Đồng chí Cù Thị Hậu cho rằng, trong tình hình mới, tổ chức CĐ cần có những cán bộ CĐ thật sự am hiểu pháp luật, nhiệt huyết và phù hợp với từng cấp, từng lĩnh vực chuyên môn.

Ngoài ra, Tổng LĐLĐVN cần có tiếng nói ở quốc hội để góp ý vào những luật liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, quyền lợi của đoàn viên NLĐ và hoạt động của tổ chức CĐ.

“Phải có cơ chế, chính sách pháp luật cụ thể - thì mới bảo vệ được quyền lợi chính đáng của nhiều CNLĐ, đoàn viên CĐ” – đồng chí Cù Thị Hậu cho biết.

Đồng chí Nguyễn An Lương phát biểu tại hội thảo.

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Nguyễn An Lương góp ý: Trong Báo cáo cần phải nêu rõ những điểm nổi bật của Tổng LĐLĐVN trong nhiệm kỳ qua, thể hiện được bản lĩnh của tổ chức CĐ trong việc đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên NLĐ như các vấn đề: Lương tối thiểu vùng, bữa ăn ca cho NLĐ, các chính sách về BHXH, chương trình nhà ở cho CN...

Đồng chí Nguyễn An Lương cho rằng, Tổng LĐLĐVN cần giao lại nhiệm vụ khởi kiện nợ, trốn đóng BHXH cho cơ quan Bảo hiểm xã hội VN, bởi cơ quan này có nhiệm vụ thu, chi các loại phí BHXH, BHYT, BHTN... Tuy nhiên, tổ chức Công đoàn cũng có quyền khởi kiện các trường hợp nợ, trốn đóng BHXH để bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, CNLĐ.

Đồng chí Đặng Ngọc Tùng phát biểu tại hội thảo.

Góp ý cho Báo cáo, đồng chí Đặng Ngọc Tùng – nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng, trong Báo cáo cần nêu được những thành quả, hoạt động của tổ chức CĐ trong thời gian qua như việc tham gia đóng góp ý kiến tại Quốc hội để xây dựng, sửa đổi nhiều bộ luật có lợi cho NLĐ như tại điều 60, Luật BHXH; hoạt động thương lượng tại Hội đồng Tiền lương Quốc gia về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hằng năm; hưởng ứng các phong trào từ thiện, xã hội, tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với cách mạng... Trong những hoạt động nổi bật có hiệu quả thì có thể định hướng, rút được kinh nghiệm trong hoạt động CĐ thời gian sắp tới... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn