MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Vũ Lượng tại lễ trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV. Ảnh NVCC.

Nguyễn Vũ Lượng và nguồn cảm hứng từ Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh

Xuân Nhàn LDO | 27/09/2023 09:04

3 năm 2019, 2020, 2021, Nguyễn Vũ Lượng - Phó quản đốc Xưởng Cơ khí, Công ty TNHH Mountech - Chi nhánh Bình Định - liên tiếp “trình làng” 3 sản phẩm cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho doanh nghiệp hơn 1,4 tỉ đồng/năm. Anh là gương mặt duy nhất của Bình Định được trao Giải Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV.

Sáng tạo không ngừng nghỉ

Tốt nghiệp cơ khí chế tạo máy, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 2002, Lượng bắt đầu cuộc mưu sinh bằng vị trí nhân viên kỹ thuật trong ngành chế biến gỗ ở Khu Công nghiệp Phú Tài. Công việc chính của anh là bảo trì, sửa chữa thiết bị. Vài đề xuất nâng cao khả năng vận hành máy móc không được hỗ trợ; chủ yếu do đơn vị cũ chưa quan tâm chi tiêu nghiên cứu, ứng dụng.

Chỉ đến khi đầu quân vào Mountech - Bình Định năm 2013, Lượng mới thực sự được trao cơ hội. Phân xưởng nơi Lượng làm việc chuyên sản xuất các mặt hàng thép không rỉ dùng trong sinh hoạt, thể thao, du lịch… Là doanh nghiệp FDI từ Châu Âu, Mountech có quy trình sản xuất khá chặt chẽ, nghiêm ngặt. Để thay đổi thiết bị, uốn nắn một quy trình thành nếp, không phải muốn là được. Phát hiện, nhận dạng “lổ hổng kỹ thuật” đã đành, còn phải biết mô tả, giải trình, thuyết phục cho người có quyền ra quyết định… mở hầu bao. “Thuận lợi là ban giám đốc công ty luôn tạo điều kiện, miễn là sáng kiến đó phù hợp, an toàn”, chủ nhân Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh giải thích về động lực sáng tạo.

Lượng bên cạnh một sản phẩm vận hành sau cải tiến. Ảnh: Ngọc Dung.

Lượng kể: “Năm 2016, công đoạn cuốn mép sản phẩm chủ yếu vẫn làm bằng tay, phụ thuộc nhiều vào thao tác của từng công nhân. Làm thủ công nên chất lượng không ổn định, hư hỏng hàng loạt, người quản lý khó tính toán kế hoạch giao hàng. Ý tưởng về chiếc máy cuốn mép tự động bám riết lấy anh. Mất 4 tháng tìm tòi, thử nghiệm, mô hình mới hoàn thành. 2 tháng sau, cỗ máy tự động ra đời, được chủ doanh nghiệp đồng ý sử dụng, thay thế hoàn toàn thiết bị cũ.

Đấy là “bước ngoặc đầu tiên” như cách diễn đạt của Lượng, giúp anh tự tin hơn trên hành trình sáng tạo.

Năm 2019, nhận thấy máy gọt mép làm hao tốn nhiều nhân lực, sản phẩm làm ra không đạt độ chính xác, hư hỏng nhiều, ảnh hưởng đến các công đoạn kế tiếp, Lượng chế tạo thêm bộ phận xoay dao gắn trực tiếp vào máy, dùng cơ cấu trục xoay, chế tạo khuôn sản phẩm theo mẫu mã, gia công theo gá cỡ kích thước mặc định... Sáng kiến áp dụng từ ngày 1.10 cùng năm, đưa năng suất từ 533 sản phẩm (lỗi, hỏng 1/3) lên 960 sản phẩm/ngày, làm lợi cho công ty 642 triệu đồng/năm.

Năm 2020, đến lượt sáng kiến “cải tiến phương pháp đánh bóng sản phẩm quai inox và phương pháp cán mép - ráp bộ bếp cồn” của Lượng ra đời, làm lợi 574,4 triệu đồng. Gần hơn, năm 2021, là sáng kiến “cải tiến bộ dụng cụ dao cắt, khuôn cắt áp dụng cho các loại bếp cồn, ấm trà, ấm nước, ly thermor” làm lợi 200 triệu đồng/năm.

Động lực mới

Hồ sơ dự giải Nguyễn Đức Cảnh của Lượng ghi: Từ 2018 - 2022 liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là Đoàn viên Công đoàn xuất sắc.

Theo LĐLĐ thị xã An Nhơn, Nguyễn Vũ Lượng là một mẫu mực về sự khiêm nhường. Có những đóng góp xứng đáng vào phong trào chung và thành tích doanh nghiệp, song anh chưa từng đặt mình vào vị trí trung tâm. Ngược lại, ở Lượng là tinh thần nghiêm túc học hỏi. Học thực tiễn, đồng nghiệp, học cả những người do mình dẫn dắt.

Người phó quản đốc trẻ luôn đồng hành, sẻ chia kinh nghiệm, sáng kiến với đồng nghiệp. Ảnh Ngọc Dung.

Trở về từ lễ trao giải, Lượng cho biết: “Tôi tự hào vì được đại diện người lao động Bình Định bên cạnh 166 tấm gương tiêu biểu cả nước. Đó là nguồn cảm hứng đặc biệt. Buổi tọa đàm Tự hào trí tuệ Việt Nam để lại cảm xúc mạnh mẽ về bài học thành công của những sáng kiến lớn, về kinh nghiệm làm việc tập thể, kinh nghiệm sống với đồng nghiệp, với mọi người chung quanh. Tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ nơi tôi làm việc “phát hiện” giản đơn mà sâu sắc ấy”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn