MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk cam kết trả tiền bồi thường cho NLĐ trong tháng 6.2019 sau bài viết của Báo Lao Động.

Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk trả ngay tiền bồi thường NLĐ sau bài viết của Lao Động

Hữu Long LDO | 28/05/2019 09:50
Sau bài viết của Báo Lao Động về việc Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk thua kiện nhưng xin khất nợ tiền bồi thường cho người lao động, lãnh đạo Nhà khách cam kết sẽ trả đầy đủ tiền cho người lao động trong tháng 6 này.

Liên quan đến việc Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk khất nợ tiền bồi thường do ra quyết định trái quy định, ông Trần Xuân Bảy – Giám đốc Nhà khách Tỉnh ủy,  đã có văn bản phản hồi thông tin Báo Lao Động phản ánh.           

Theo đó, ông Trần Xuân Bảy cảm ơn báo Lao Động đã có bài phản ánh về vụ việc. Ông Bảy cam kết sẽ nộp đầy đủ số tiền gần 45 triệu đồng bồi thường cho bà Lê Thị Thu Nhung trong tháng 6 tới đây.

Lý giải nguyên nhân về việc khất tiền bồi thường người lao động sau khi tòa tuyên án, ông Bảy cho rằng, trong thời gian qua hoạt động kinh doanh của Nhà khách cũng có phần khó khăn. Mặc khác, khoản tiền bồi thường của bà Nhung lại không nằm trong kế hoạch chi hoạt động kinh doanh của đơn vị...

“Cho nên khi làm việc với Chi cục Thi hành TP. Buôn Ma Thuột, ông Lai Huy Ghi – Chủ tịch Nhà khách, đề nghị nộp chậm.  Tuy nhiên, đến nay Ban lãnh đạo Nhà khách đã họp bàn và thống nhất trong tháng 6.2019 sẽ nộp đầy đủ gần 45 triệu đồng bồi thường cho bà Lê Thị Thu Nhung…” – ông Trần Xuân Bảy phản hồi.

Như Lao Động phản ánh, ngày 3.4.2017, Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk ra quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động (HĐLĐ) với bà Lê Thị Thu Nhung – nhân viên nhà hàng Nhà khách, với lý do “bà Nhung tự ý nghỉ việc không xin phép; có những hành động, phát ngôn vi phạm quy định trong quy chế làm việc áp dụng cho nhân viên Nhà khách”.

Cho rằng việc ra quyết định nghỉ việc không đúng quy định, bà Nhung đã khởi kiện Nhà khách Tỉnh ủy ra TAND tỉnh Đắk Lắk.

Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 27.11.2018, TAND tỉnh Đắk Lắk nhận định, khi người sử dụng lao động (NSDLĐ) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động  (NLĐ) thì phải báo cho NLĐ trước 30 ngày.

Trong quá trình giải quyết vụ án và tại tòa, giữa bà Nhung và đại diện Nhà khách Tỉnh ủy đều thừa nhận phía Nhà khách không thông báo cho bà trước 30 ngày theo quy định.

“Như vậy, Nhà khách Tỉnh ủy đã vi phạm thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ” – trích kết luận của TAND tỉnh.

Về việc Nhà khách Tỉnh ủy cho rằng bà Nhung trong quá trình công tác tự ý nghỉ việc không xin phép; có phát ngôn vi phạm quy định trong quy chế làm việc của Nhà khách… TAND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc này không thuộc các trường hợp tại Điều 38 Bộ Luật Lao Động về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ.

Do đó, Quyết định chấm dứt HĐLĐ do Nhà khách Tỉnh ủy ký đối với bà Nhung thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.

Cuối cùng, TAND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Nhà khách Tỉnh ủy phải bồi thường cho bà Nhung do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật số tiền gần 45 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn