MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Trịnh Minh Hiếu làm thêm công việc phục vụ buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Phương Ngân

Nhà máy ít việc, công nhân tìm đủ cách mưu sinh

Phương Ngân LDO | 30/12/2023 13:00

Trải qua thời gian đầy khó khăn do ít đơn hàng sản xuất, thu nhập giảm, nhiều công nhân tại TPHCM phải xin nghỉ việc. Trong số đó, có người đi tìm công việc mới, người chọn hồi hương, số khác xin việc làm thêm tạm thời để cải thiện thu nhập.

Loay hoay tìm việc mới

Đến Ngày hội việc làm do Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức giữa tháng 12, chị Lê Thị Phương Thảo (ngụ quận Bình Tân, TPHCM), hy vọng tìm công việc khác sau 9 năm làm công nhân may tại nhà máy ở quận Bình Tân.

Trước đây, chị Thảo làm công nhân may với thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng, sau thời gian nhà máy ít đơn hàng, thu nhập bị giảm sút, cộng với việc nhà máy cắt giảm lao động, những người ở lại phải phụ trách một lúc nhiều công đoạn nên chị Thảo quyết định xin nghỉ việc để tìm công việc mới.

Lần này, chị Thảo tìm công việc sản xuất hàng điện tử thay vì tìm công việc đã có tay nghề 9 năm. “Làm công nhân may giờ khó khăn quá, tôi muốn tìm công việc sản xuất hàng điện tử để thu nhập cao hơn” - chị Thảo nói.

Nguyện vọng của chị Thảo là muốn chuyển đổi sang một ngành sản xuất khác, thế nhưng khi được hỏi về sự chuẩn bị để chuyển đổi sang một ngành mà mình chưa từng có tay nghề, chị Thảo chỉ ấp úng...

Cũng nghỉ việc khi nhà máy thiếu đơn hàng sản xuất, nhưng khác với chị Thảo, chị Trần Thị Minh Yên (38 tuổi, quê Kiên Giang) không đi xin việc mà đến Ngày hội việc làm để tìm nơi tư vấn bảo hiểm thất nghiệp.

Chị Yên cho biết, cách đây 3 tháng, chị quyết định xin nghỉ việc tại một công ty may đóng trên địa bàn quận Bình Thạnh, TPHCM, sau 10 năm làm việc. Chị Yên chia sẻ, sau hơn 20 năm bôn ba làm công nhân kiếm sống, tháng nào cũng thiếu trước hụt sau, nhất là từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đến nay. Thu nhập kiếm được hơn 8 triệu đồng/tháng không đủ để chị trang trải các chi phí nhà trọ, ăn uống, cho 2 con ăn học, do đó, chị xin nghỉ việc để hồi hương.

“Lương công nhân bèo bọt, dù có gói ghém cũng không đủ sống. Chỉ tính riêng tiền ăn, tiền sữa, tiền đi học của con cũng hết hơn nửa tháng lương, chưa kể các chi phí khác. Giờ về quê buôn bán kiếm sống qua ngày, con đi học cũng ít tốn kém hơn” - chị Yên bộc bạch.

Làm thêm để tăng thu nhập

Thiếu đơn hàng sản xuất là tình hình chung tại nhiều doanh nghiệp hiện nay, thế nhưng, thay vì nghỉ việc nhiều công nhân vẫn chọn gắn bó cùng nhà máy.

Ở lại, cũng đồng nghĩa với thu nhập thấp, nhưng anh Trịnh Minh Hiếu - công nhân tại khu chế xuất Linh Trung 2 (TP Thủ Đức, TPHCM) vẫn quyết ở lại và đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập. Đều đặn mỗi ngày, sau giờ tan ca, anh Hiếu chạy về phòng trọ thay đồ rồi đến quán ăn gần nhà làm phục vụ.

Anh Hiếu kể, hai vợ chồng anh làm công nhân cùng công ty, từ cuối năm 2022, đơn hàng giảm, cả hai đều bị giảm thu nhập. Mấy tháng gần đây khi đơn hàng bắt đầu phục hồi thì vợ anh lại nghỉ thai sản, ở nhà chăm con nhỏ, gánh nặng tài chính chỉ mình anh Hiếu lo liệu.

Khoản thu nhập từ việc làm công nhân chỉ vừa đủ chi trả tiền phòng trọ, điện nước, ăn uống, do đó, thu nhập từ việc chạy bàn khoảng 3 triệu đồng/tháng, giúp anh lo liệu chi phí sinh hoạt trong gia đình.

“Hơn ai hết tôi hiểu hoàn cảnh mình khó khăn, nên tôi phải cố gắng để tương lai các con mình được tốt hơn” - anh Hiếu tâm sự.

Đêm dần khuya, những ngày cuối năm anh Hiếu vẫn miệt mài với công việc làm thêm, chỉ mong có thêm khoản tiền lo cho gia đình.

Với chị Thảo, chị Yên, anh Hiếu, mỗi người có một sự lựa chọn khác nhau, song tất cả đều vì một mục đích để đời sống của bản thân và gia đình được tốt hơn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn