MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà máy ở tỉnh Bình Dương tăng cường kiểm soát việc đeo khẩu trang, đo nhiệt độ để phòng chống COVID-19. Ảnh: Văn Thuật

Nhà máy tăng cường biện pháp phòng, chống COVID-19 cho công nhân lao động

Đình Trọng LDO | 02/02/2021 09:09

Bình Dương - tỉnh phát triển công nghiệp - đã phát hiện 2 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trong cộng đồng. UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo cấp tốc thực hiện các biện pháp khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly, phong tỏa. LĐLĐ tỉnh và Ban quản lý các khu công nghiệp cũng triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở nhà máy nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân lao động và cộng đồng.

2 ca lây nhiễm trong cộng đồng, phong tỏa cách ly nhiều nơi

Ngày 1.2, ông Huỳnh Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương - thông tin, phát hiện trường hợp thứ 2 nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng là em N.T.M.A (19 tuổi, sinh viên lớp Sư phạm tiểu học D20 GDTH01, trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Nữ sinh viên này có mẹ (cũng mắc COVID-19 đã được công bố trước đó) từ Hải Dương về ấp Cà Na, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Đây là điểm phát hiện ca dương tính đầu tiên trong cộng đồng ở Bình Dương ngày 31.1.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, chính quyền địa phương đã thực hiện phong tỏa 2 nơi phát hiện dịch bệnh tại ấp Cà Na, xã An Bình huyện Phú Giáo và khu phố 5, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, đồng thời thực hiện cách ly xã hội 15 ngày đối với xã An Bình và P.Phú Hòa. Các đơn vị của Sở Y tế Bình Dương cũng đang tiến hành truy vết F1, F2 để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện cách ly.

Theo ghi nhận, đến trưa 1.2, lực lượng chức năng TP.Thủ Dầu Một vẫn đang nỗ lực hoàn tất rào chắn và ổn định khu vực phong tỏa ở khu phố 5 P.Phú Hòa - nơi nữ sinh viên dương tính từng ở trọ. Trường Đại học Thủ Dầu Một có đến 16.000 sinh viên, nên việc xác minh truy vết những người liên quan cũng gặp không ít khó khăn.

Bà Nguyễn Thu Cúc - Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một - cho biết, thành phố đã ra quyết định đóng cửa nhiều cơ sở kinh doanh liên quan đến lịch trình di chuyển của sinh viên dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, thành phố đang triển khai nhiều biện pháp, trong đó tuyên truyền người dân hạn chế di chuyển, thực hiện giãn cách xã hội theo đúng quy định.

Nhà máy tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho công nhân lao động

Ông Nguyễn Văn Thuật - Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) của Công ty TNHH Quốc tế Chutex (hơn 5.000 công nhân tại KCN Sóng Thần, Dĩ An) - cho hay, mặc dù cách xa 2 nơi xảy ra dịch bệnh, tuy nhiên công ty cũng nâng cao biện pháp phòng chống dịch bệnh. Công nhân vào nhà máy bắt buộc phải đeo khẩu trang, sát khuẩn, đo nhiệt độ. CĐCS cũng tuyên truyền hạn chế di chuyển, không tập trung đông người và kêu gọi công nhân lao động (CNLĐ) có quê vùng dịch ở lại Bình Dương ăn Tết.

Ban Quản lý Khu công nghiệp (KCN) Bình Dương cũng đề nghị người lao động (NLĐ) nâng cao trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh, thực hiện đúng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế. Đối với người sử dụng lao động, tổ chức đo thân nhiệt cho NLĐ và khách đến nhà máy làm việc. Thực hiện khai báo y tế đối với các trường hợp có biểu hiện ho sốt, khó thở.

Bên cạnh đó, các nhà máy trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn, vệ sinh khử khuẩn đối với các tay nắm, thang máy, phòng họp, khu vệ sinh... tối thiểu 2 lần/ngày. Bố trí phòng cách ly, chuẩn bị đủ khẩu trang ngay khi phát hiện người có biểu hiện ho, sốt, khó thở...

Dừng tổ chức chuyến xe đưa công nhân về quê, hỗ trợ công nhân ở lại Tết

LĐLĐ tỉnh Bình Dương cũng đã quyết dịnh dừng chương trình chuyến xe đưa CNLĐ gặp khó khăn về quê đón Tết và chương trình Tết Sum vầy. Để đảm bảo quyền lợi của đoàn viên và việc chăm lo đời sống cho NLĐ, các suất hỗ trợ sẽ chuyển xuống cơ sở để trao tặng. Qua thống kê, có khoảng 18.000 CNLĐ ở lại Bình Dương ăn Tết thuộc diện đặc biệt khó khăn, LĐLĐ và tỉnh Bình Dương đã trao hỗ trợ 500.000/người kèm nhu yếu phẩm. Đối với số 4.000 công nhân đã được tặng vé xe nhưng do chương trình không tổ chức thì Công đoàn cấp trên cơ sở sẽ chi hỗ trợ cho mỗi người 500.000 đồng.

Do xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng nên số lượng NLĐ ở lại Bình Dương sẽ tăng đột biến, theo dự báo có khoảng 500.000 người. Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - nói rằng, đã giao tổ chức Công đoàn phối hợp với địa phương và doanh nghiệp để đảm bảo chỗ ăn ở cho NLĐ. Nếu rà soát, có nhiều người khó khăn, UBND tỉnh sẽ tính phương án trích ngân sách hỗ trợ thêm.

LĐLĐ tỉnh Bình Dương cũng đang triển khai CĐCS nắm bắt số lượng CNLĐ không về quê. Có báo cáo cụ thể, sẽ tính toán các biện pháp hỗ trợ tiếp theo.

Tỉnh Bình Phước là địa bàn giáp ranh với ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Bình Dương, vì vậy, LĐLĐ tỉnh Bình Phước cũng đã chỉ đạo CĐCS triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách chặt chẽ. Bà Nguyễn Thị Hương Giang - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Phước - cho biết đã phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Bình Phước triển khai nhanh cách biện pháp phòng chống dịch bệnh ở nhà máy. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh cũng dừng tổ chức chuyến xe đưa công nhân về quê ăn Tết. Việc trao quà cho CNLĐ khó khăn cũng được chia nhỏ tại cơ sở. Các nhà máy thực hiện nghiêm việc sát khuẩn, đeo khẩu trang và đo nhiệt độ, đảm bảo giãn cách.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn