MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà ở công nhân: 10 năm nhọc nhằn tiết kiệm vẫn phải thuê phòng trọ bí bách

LƯƠNG HẠNH LDO | 28/09/2021 17:08
Nhiều công nhân Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội đã chật vật sống những năm qua trong căn phòng trọ chật chội, bí bách. Họ không dám ước mơ xa xỉ một chỗ ở tốt hơn với đồng lương bèo bọt của mình...

Chị Bùi Thị Thúy (SN 1986) quê Ninh Bình thuê trọ ở thôn Bầu hơn 10 năm nay. Với gánh xe đẩy đầy đủ bếp gas, nồi niêu… hàng ngày, chị bán đồ ăn sáng cho công nhân tại thôn.

Chồng chị Thúy làm công nhân trong KCN Thăng Long. Với mức lương 6 triệu đồng/tháng của chồng, bản thân buôn bán có đồng ra đồng vào, nếu không có dịch COVID-19, vợ chồng chị Thúy chi tiêu tiết kiệm cũng đủ trang trải cuộc sống.

Nếu thuê người trông con, chị Bùi Thị Thúy sẽ phải chi trả thêm số tiền 2 triệu đồng/tháng. Ảnh: Lương Hạnh

Chị Thúy có 2 con nhỏ, một cháu được 20 tháng tuổi, một cháu được 9 tuổi. Mỗi tháng, chị phải đóng tiền học cho con trai lớn và thuê người trông con nhỏ với số tiền 2 triệu đồng/tháng. Bao năm qua, vợ chồng chăm chỉ làm ăn, tằn tiện chi tiêu nhưng luôn trong tình cảnh được đồng nào hết đồng ấy.

Càng buồn hơn, khi dịch COVID-19 ập đến, thôn Bầu bị phong tỏa, chị Thúy nghỉ bán hàng ở nhà liên tục suốt mấy tháng nay. Ẵm con trai thứ 2 vào lòng, chị ngậm ngùi: “Cô nhìn thì biết đấy, nghỉ việc liên tục mấy tháng nay, tiền ăn còn không có, mua nhà tôi không dám mơ”.

 Bếp gas, bình nước... lỉnh kỉnh trong căn phòng trọ nhỏ của vợ chồng chị Thúy. Ảnh: Lương Hạnh

Ở một khu trọ khác cách đó không xa, chị Lường Thị Thật (SN 1986, quê Yên Bái) cũng chỉ biết ước một căn trọ khác có điều kiện khá hơn. Chị Thật và chồng đều làm công nhân. Thu nhập trung bình mỗi tháng của hai vợ chồng cũng được hơn 10 triệu đồng.

This browser does not support the video element.

Chị Thật chia sẻ mong muốn mua nhà ở với PV.

Căn phòng trọ của chị Thật có giá 1 triệu đồng/tháng với diện tích 25m2. Mỗi khi kết thúc ca làm từ 6h sáng đến 6h tối, cuộc sống của vợ chồng chị Thật chỉ quanh quẩn căn trọ nhỏ với gác lửng để chồng chất đồ đạc xung quanh. "Chỗ tôi ở còn thoáng mát hơn nhiều nhà trọ khác rồi" - chị Thật nói. 

Chỉ ngay cạnh phòng trọ của chị Thuật là một dãy trọ khác nhỏ hơn, điều kiện tệ hơn dành cho công nhân có thu nhập thấp. Ngõ vào dãy trọ chỉ vừa nổi 1 người đi...

Ngoài việc lo tiền trọ và tiền sinh hoạt hàng ngày, chị Thật phải gửi tiền về quê để bố mẹ chồng lo cho con trai. Từ đợt Tết Nguyên đán 2021 đến bây giờ, vợ chồng chị vẫn chưa thể về nhà thăm con. Nhớ con, chị chỉ có thể gọi điện hỏi thăm...

Chị Thật ở trọ tại dãy trọ của bà Liên đã được hơn 1 năm. Ảnh: Lương Hạnh

"Tôi cũng muốn đón con xuống ở với bố mẹ. Xa chúng tôi nên cháu thiệt thòi nhiều thứ. Nhưng phòng trọ chật chội, cái gì cũng thiếu, điều kiện khó khăn, cháu ở nhà với ông bà sẽ tốt hơn" - chị Thật cho biết. 

Bà Nguyễn Thị Liên - chủ trọ nơi chị Thật sinh sống - chia sẻ: "Tôi có 12 phòng trọ được xây dựng từ năm 2001. Sau đó, năm 2010, tôi có sửa sang lại để cho công nhân thuê. Ngoài việc cho thuê trọ, tôi cũng buôn bán kinh doanh ngoài. Vì thế, có những trường hợp công nhân quá khó khăn, tôi đã giảm tiền trọ hoặc cho họ nợ 3 tháng chưa yêu cầu đóng".

Bà Liên có 12 phòng trọ đã được xây dựng từ năm 2001. Ảnh: Lương Hạnh

Được biết, đợt giãn cách vừa qua, bà Liên cũng hỗ trợ công nhân xóm trọ mì tôm, rau, thịt... khi họ không thể ra ngoài. Mặc dù, bà cũng muốn cải tạo lại phòng trọ để cải thiện đời sống cho công nhân song bà chưa có điều kiện để thực hiện.

 Những mảng tường rêu mốc chắp vá bằng cách dán giấy. Ảnh: Lương Hạnh
 Điều kiện sinh hoạt trong căn trọ ẩm thấp khiến chị Thật không thể đưa con xuống ở cùng bố mẹ. Ảnh: Lương Hạnh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn